Tờ Financial Times (FT) ngày 11/2 đưa tin Bắc Kinh sẽ giúp hoạch định và thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để ngăn chặn đợt dịch bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay tại Hong Kong/Trung Quốc. Điều này làm tăng khả năng các biện pháp phong tỏa mạnh tay từng được áp dụng ở đại lục có thể sẽ sớm được triển khai tại Hong Kong.
Văn phòng phụ trách các vấn đề về Hong Kong và Macau tại Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết quan chức Hong Kong trong vài ngày tới sẽ tới tỉnh Quảng Đông để tham dự cuộc họp giữa giới chức Trung ương với lãnh đạo phụ trách y tế địa phương. Văn phòng cũng bày tỏ quan ngại lớn trước diễn biến dịch bệnh tại Hong Kong do sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh.
Truyền thông và giới cố vấn chính sách tại Trung Quốc đại lục trong tuần qua đã công khai chỉ trích chính quyền Hong Kong, đứng đầu là Trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), vì đã không bám sát định hướng chính sách về “không Covid” (zero Covid) được Bắc Kinh đề ra. Nhiều ổ dịch tương tự tại một số thành phố lớn tại Trung Quốc đại lục với quy mô dân số lớn hơn cả Hong Kong cũng đã được kiểm soát thành công, dù có thể mất tới vài tuần.
“Chính quyền Hong Kong đã phạm phải sai lầm trong khâu ra quyết định”, ông Tian Feilong, một cố vấn chính sách của chính phủ Trung Quốc về tình hình Hong Kong, nêu quan điểm trong trao đổi với tờ FT. Theo chuyên gia này, giới chức tại Hong Kong đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cách tiếp cận “kiểu phương Tây” vốn nhấn mạnh yếu tố “sống chung với COVID-19”.
Ngày 9/2, Hong Kong ghi nhận 1.161 ca mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên, Hong Kong ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt 1.000 ca/ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đặc khu này. Số ca nhiễm trong ngày 10/2 có giảm, nhưng vẫn ở mức cao, với 980 ca.
Để đối phó với đợt dịch mạnh nhất từ trước đến nay, chính quyền Hong Kong ngày 8/2 đã công bố các quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo đó, từ ngày 24/2, ngoài ứng dụng “Leave home Safe” (Đi lại an toàn), người dân phải trình “thẻ thông hành vaccine” khi đến 23 địa điểm như nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm, chợ, đền chùa...
Đồng thời, chính quyền đã đóng cửa trường học, sân chơi, phòng tập gym. Ăn tối trong nhà hàng bị cấm từ sau 18h. Hong Kong cũng nghiêm cấm tụ tập từ 2 người trở lên tại nơi công cộng, chỉ cho phép tối đa 2 gia đình được tụ họp với nhau. Các chuyến bay giảm khoảng 90% do hạn chế đi lại. Lượng hành khách đi xe buýt cũng giảm trong những ngày qua do phần lớn công chức làm việc tại nhà.
Theo David Hui, giáo sư chuyên ngành bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, nếu các biện pháp giãn cách nêu trên không phát huy hiệu quả trong vòng hai tuần, giải pháp phong tỏa trong thời hạn nhất định có thể sẽ được tính tới. Ông Hui cũng là người đứng đầu một ủy ban cố vấn cho chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga về phòng chống COVID-19.
Việc triển khai phong tỏa tại Hong Kong sẽ gặp một số thách thức. Một quan chức cố vấn cho chính quyền Hong Kong cho rằng đặc khu này rơi vào tình cảnh khó khăn về nguồn nhân lực, như lực lượng cảnh sát, để triển khai các biện pháp phong tỏa mang lại hiệu quả tương tự như ở Tây An (tỉnh Thiểm Tây) hay tại thành phố Thiên Tân tại Trung Quốc đại lục vừa qua.
Biện pháp mới cùng với tình cảnh khan hiếm hàng hóa thiết yếu, giá rau xanh tăng vọt đã làm lộ rõ thế cô lập bất lợi của Hong Kong. Đặc khu này đã bị tách biệt hẳn với Trung Quốc đại lục và thế giới bên ngoài trong gần hai năm qua, hệ quả của việc thực thi các biện pháp cách ly di chuyển hà khắc, khiến việc đến và đi từ vùng lãnh thổ này gần như bị đình trệ.
Dịch bệnh đang đe dọa tới triển vọng tăng trưởng của Hong Kong. Trong tuần này, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Hong Kong xuống còn 1,5% so với mức 3% của kỳ công bố trước đó. Nguyên nhân khiến Fitch Ratings cắt giảm tăng trưởng là do các biện pháp giãn cách được triển khai ở Hong Kong nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.