Theo thỏa thuận trên, phía Ba Lan sẽ cung cấp địa điểm và các hạng mục công trình nằm trong căn cứ không quân tại Laska, trung tâm huấn luyện bộ binh ở Drawsko Pomorskie, khu quân sự tại Skwierzyna, Chehanove và Choszczno để triển khai các cơ sở kỹ thuật quân sự của Mỹ nhằm "thực hiện mục tiêu phòng thủ chung".
Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết Mỹ sẽ cấp ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng chính, cho phép lực lượng vũ trang Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Ba Lan. Washington có thể triển khai binh sĩ, kho vũ khí, quân dụng và vật liệu tới quốc gia Đông Âu này.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ba Lan nhấn mạnh thỏa thuận cũng sẽ mở đường cho việc thiết lập căn cứ thiết bị quân sự Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan, theo đó tăng cường sự hiện diện của các đồng minh, cũng như củng cố an ninh tại Ba Lan và toàn khu vực.
Trong khi đó, cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Brussels (Bỉ), bộ trưởng 28 nước thành viên đã nhất trí thành lập bộ chỉ huy khu vực của khối tại Slovakia.
Theo Bộ Quốc phòng Slovakia, bộ chỉ huy này sẽ không trở thành một căn cứ quân sự, mà chỉ gồm một nhóm điều phối nhỏ, có nhiệm vụ lập kế hoạch và tổ chức các cuộc tập trận trên lãnh thổ Slovakia, cũng như hỗ trợ các nước thành viên giải quyết khi xuất hiện khủng hoảng.
Theo các phương tiện truyền thông Slovakia, trụ sở bộ chỉ huy khu vực NATO trên sẽ được đặt tại thủ đô Bratislava với bộ máy hoạt động gồm 21 quân nhân Slovakia, cùng 20 sĩ quan của các quốc gia thành viên NATO.