Thủ tướng Donald Tusk chia sẻ về vai trò của Ba Lan trong công cuộc tái thiết Ukraine hậu chiến tranh. Ảnh: Getty Images/RT
Ba Lan có ý định hưởng lợi từ quá trình tái thiết sau xung đột của Ukraine, Thủ tướng Donald Tusk cho biết – theo đài RT.
Trong chuyến thăm cơ sở đường sắt Euroterminal Slawkow ở phía nam đất nước vào ngày 26/5, ông Tusk đã giới thiệu việc mở rộng địa điểm này thành một trung tâm trung chuyển chính cho các vật liệu chuyển đến Ukraine.
"Không sai khi nói rằng: chúng tôi muốn kiếm được nhiều tiền cho Ba Lan trong quá trình tái thiết Ukraine", ông Tusk nói với các phóng viên. "Chúng tôi muốn giúp đỡ họ, nhưng chúng tôi cũng muốn kiếm tiền từ đó, và trung tâm đặc biệt này là cần thiết cho mục đích này".
Ba Lan là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Ukraine kể từ khi cuộc xung đột toàn diện với Nga bắt đầu vào năm 2022. Warsaw đã cung cấp hơn 5,1 tỷ euro (5,7 tỷ USD) viện trợ - hơn 70% trong số đó là quân sự - theo Viện Kiel của Đức. Viện trợ vũ khí của Ba Lan bao gồm hơn 300 xe tăng (T-72, PT-91, Leopard 2), 400 xe thiết giáp BMP-1, pháo tự hành AHS Krab, đạn dược, cùng hỗ trợ hậu cần, đào tạo và bảo trì khí tài. Ba Lan cũng ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine và xây dựng trung tâm hậu cần lớn nhất châu Âu để hỗ trợ chiến trường.
Ba Lan còn là một phần của cái gọi là "liên minh sẵn sàng", gồm một nhóm các quốc gia châu Âu ủng hộ việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev. Các quan chức Ba Lan đã nhiều lần thúc giục quân sự hóa trên toàn EU để ứng phó với những gì họ mô tả là mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga - những tuyên bố mà Moskva đã nhiều lần bác bỏ là "vô nghĩa" và "gây hoang mang".
Nhà ga Euroterminal Slawkow, được thành lập vào năm 2010, nằm gần ngã tư của Hành lang vận tải toàn châu Âu III và VI. Hiện tại, nó hỗ trợ các kết nối thường xuyên trong phạm vi Ba Lan, Litva, Đức, Italy và một số địa điểm của Ukraine. Theo Thủ tướng Tusk, nhà ga này có tiềm năng trở thành một trung tâm trung chuyển lớn, nhờ vị trí của nó tại ngã ba của các tuyến đường sắt nối Tây Âu với Ukraine và châu Á.
Ông Tusk đã phàn nàn về vai trò bị hạn chế của Ba Lan trong các nỗ lực tái thiết sau Chiến tranh Iraq, nhấn mạnh rằng đất nước ông sẽ không bị gạt ra ngoài lề một lần nữa.
"Không thể như trước đây... khi mọi người đều tham gia [cuộc chiến Iraq], bao gồm cả Ba Lan, và sau đó những bên lớn hơn kiếm được tiền từ việc tái thiết, còn Ba Lan thì bị bỏ lại trong giá lạnh", ông nói.
"Nếu chúng ta đang nói về hàng chục, hàng trăm tỷ zloty mà thế giới, châu Âu, Ba Lan, Ukraine sẽ chi cho việc tái thiết, thì trong số những thứ khác, chúng ta đang mở rộng trung tâm hậu cần này... để Ba Lan có thể kiếm được tiền từ đó", ông kết luận.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng quá trình tái thiết, phục hồi của Ukraine có thể tốn hơn 500 tỷ USD trong thập kỷ tới. Một số quốc gia EU, bao gồm cả Ba Lan, đã đề xuất sử dụng các tài sản có chủ quyền bị đóng băng của Nga để tài trợ cho nỗ lực này. Tuy nhiên, những quốc gia khác đã cảnh báo rằng việc làm như vậy mà không có căn cứ pháp lý rõ ràng có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm và làm nản lòng đầu tư toàn cầu vào châu Âu.
Về phần mình, Moskva lên án động thái được đề xuất đó là “trộm cắp” và đe dọa sẽ trả đũa nhằm vào các khoản đầu tư của phương Tây vào Nga.