Ảnh minh hoạ: Quỹ Tài sản Nhà nước Ukraine
Bất đồng trong thoả thuận khoáng sản đã góp phần châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong quan hệ Mỹ-Ukraine.
Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, theo trang tin Axios ngày 20/2, các nguồn tin từ cả hai phía hiện cho biết một thỏa thuận có vẻ ngày càng khả thi hơn.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ rằng một số trợ lý của Tổng thống Ukraine đã khuyến khích ông ký vào đề xuất sửa đổi để tránh đối đầu thêm với người đồng cấp Donald Trump và giúp tổng thống Mỹ có lý do chính đáng để tiếp tục ủng hộ Ukraine.
“Bản dự thảo gần đây đã có những cải thiện đáng kể và phù hợp với luật pháp Ukraine”, nguồn tin này cho biết.
Cùng ngày, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Mike Waltz nói với các phóng viên rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cần “quay lại bàn đàm phán” về vấn đề khoáng sản.
“Đây là một cuộc đàm phán. Và trong đàm phán, bạn phải thương lượng. Ukraine muốn đàm phán về khoáng sản, vậy nên chúng tôi đang nói về nó”, một quan chức Nhà Trắng cho hay.
Ý tưởng về quan hệ đối tác kinh tế giữa Ukraine và Mỹ được ông Zelensky đề xuất lần đầu vào tháng 9 năm ngoái trong một cuộc gặp với Trump tại New York.
Tuần trước, ba giờ trước khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đến Kiev gặp ông Zelensky, đại sứ Mỹ đã gửi bản dự thảo thỏa thuận hợp tác khai thác khoáng sản.
Theo hai nguồn tin đã đọc bản dự thảo ban đầu, thỏa thuận quy định 50% doanh thu từ khai thác sẽ thuộc về Mỹ, thỏa thuận tuân theo luật pháp của New York và nó sẽ vượt trên bất kỳ thỏa thuận thương mại nào khác của Ukraine.
Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng ông Trump yêu cầu ông ký ngay lập tức. Tuy nhiên, ông Zelensky trả lời rằng ông không thể ký một thỏa thuận vừa mới nhận được.
Phía Ukraine thất vọng vì bản dự thảo không bao gồm bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, và nó được đưa ra vào thời điểm Ukraine bị loại khỏi các cuộc đàm phán Mỹ-Nga về tương lai của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh cắt từ clip của Reuters và ảnh AFP/TTXVN
Theo báo The Kyiv Independent ngày 5/2, Ukraine có trữ lượng của 20 loại khoáng sản và kim loại quan trọng trên thế giới, bao gồm titan và lithium. Titan được sử dụng trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và quốc phòng, còn lithium là thành phần thiết yếu trong sản xuất vi mạch và pin xe điện.
Bên cạnh đó, tờ báo còn cho biết Ukraine cũng sở hữu các nguyên tố đất hiếm như cerium, yttrium, lanthanum và neodymium trong khi nhu cầu đối với những vật liệu này đã tăng mạnh trong những năm gần đây cùng với việc thế giới tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo bởi các nguyên tố đất hiếm rất quan trọng trong việc chế tạo nam châm mạnh dùng trong máy phát điện của tua-bin gió.
Tuy nhiên, hơn một nửa tài nguyên khoáng sản của Ukraine, trị giá hơn 7,5 nghìn tỷ USD nằm trong bốn vùng lãnh thổ mà Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022 và hiện quân đội Liên bang Nga đang kiểm soát phần lớn những khu vực này... Các khu vực đó bao gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Ngoài ra, bán đảo Crimea, bị Nga sáp nhập từ năm 2014, cũng chứa lượng khoáng sản trị giá khoảng 206 tỷ bảng Anh (tương đương 258 tỷ USD).
Ngoài ra, theo báo The Independent, vùng Dnipropetrovsk, giáp ranh với các khu vực bị chiếm đóng rộng lớn của Donetsk và Zaporizhzhia và đang bị quân đội Liên bang Nga đe dọa, “chứa thêm khoảng 3,5 nghìn tỷ USD tài nguyên khoáng sản.
Không chỉ có một phần lớn tài nguyên khoáng sản của Ukraine ở trong khu vực dưới dưới sự kiểm soát của Liên bang Nga, mà nhiều nơi còn quá gần chiến tuyến khiến việc khai thác, chế biến và vận chuyển trở nên gần như bất khả thi.
Ví dụ, theo báo Bưu điện Washington (The Washington Post), một mỏ quặng lithium ở ngoại ô khu định cư Shevchenko, thuộc Donetsk, chỉ cách thị trấn Velyka Novosilka chưa đầy 10 dặm (khoảng 16km), nơi vừa bị quân đội Liên bang Nga chiếm giữ. Nếu tính về tổng thể, báo Bưu điện Washington dẫn ước tính của các nhà phân tích cho biết Liên bang Nga đã kiểm soát được hơn 12 nghìn tỷ USD tài sản năng lượng, kim loại và khoáng sản của Ukraine
Với hàng loạt thách thức như vậy, trang tin TMZ cho rằng thỏa thuận đổi khoáng sản lấy viện trợ giữa Ukraine và Mỹ có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực. Tuy nhiên, trong trường hợp nó thành công, cả Mỹ và Ukraine đều có thể hưởng lợi rất lớn.