Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tiến sĩ Sarah Shafik của ANU cho biết thách thức lớn nhất khi điều trị bệnh sốt rét là ký sinh trùng bệnh này có khả năng thích nghi rất nhanh, có thể kháng tất cả các loại thuốc.
Bà Shafik cho biết chloroquine, loại thuốc tiêu chuẩn vàng được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét trong 20 năm qua, nay đã không còn hiệu quả. Mặt khác, các bác sĩ có thể triển khai một loại thuốc hoặc một liệu pháp kết hợp, nhưng chỉ trong vòng vài năm, ký sinh trùng sốt rét đã có thể phát triển khả năng kháng lại phương pháp điều trị mới đó.
Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Shafik và nhóm của bà đã xác định được hai protein trong bệnh sốt rét, PfMDR1 và PfCRT, làm mất tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng của thuốc và tập trung thuốc ở “các vùng an toàn”, khiến thuốc không đạt hiệu quả. Tiến sĩ Shafik nói: “Chúng tôi đã biết về những protein này trong một thời gian nhưng điều chúng tôi không biết là chúng tham gia vào quá trình kháng thuốc của ký sinh trùng như thế nào”.
Theo các nhà nghiên cứu Australia, một xét nghiệm máu đơn giản có thể được thực hiện trên người mắc bệnh sốt rét để tìm ra loại protein mà họ có. Một khi có thông tin đó, các nhà nghiên cứu sẽ biết từ dữ liệu của mình loại thuốc nào tốt nhất để sử dụng trên một số loại ký sinh trùng đang mang loại protein đó để tiêu diệt ký sinh trùng.
Bước đột phá này có thể giúp ích cho việc điều trị bệnh sốt rét rẻ hơn và hiệu quả hơn, nhất là ở các nước nghèo, nơi căn bệnh này còn phổ biến. Trong năm 2020, bệnh sốt rét đã làm khoảng 627.000 người trên thế giới tử vong.