Theo chính phủ Australia, nước này hiện là nhà sản xuất nhôm lớn thứ sáu thế giới. Nhom là loại kim loại được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất linh kiện máy bay đến lon nước giải khát.
Nhôm được tinh luyện từ quặng trong các nhà máy khổng lồ, tiêu thụ khoảng 10% tổng lượng điện của Australia. Tuy nhiên, quá trình này từ lâu đã phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng than, một nguồn năng lượng gây ô nhiễm.
Trong kế hoạch mới, các công ty sản xuất nhôm “xanh” bằng năng lượng tái tạo sẽ nhận được khoản hỗ trợ tín dụng sản xuất.
Thủ tướng Albanese phát biểu: “Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới muốn nhập khẩu các kim loại sạch, đáng tin cậy như nhôm sản xuất tại Australia. Đây là một cơ hội lớn để phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đang tiến tới giảm phát thải carbon”.
Các công ty sẽ có thể yêu cầu hỗ trợ tài chính cho mỗi tấn nhôm “xanh” được sản xuất trong vòng 10 năm tới.
Khi hầu hết các nhà máy điện than ở Australia dự kiến sẽ đóng cửa trong thập kỷ tới, một số nhà máy luyện nhôm đã bắt đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhôm là ngành công nghiệp kim loại lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau thép và nhu cầu về nhôm dự kiến sẽ tăng 40% vào năm 2030.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp nhôm toàn cầu hiện đóng góp khoảng 2% tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto, một trong những nhà sản xuất nhôm lớn tại Australia, hoan nghênh kế hoạch này, cho rằng kế hoạch sẽ giúp Australia trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực kim loại xanh.
“Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống dành cho ngành công nghiệp nặng ngày càng kém cạnh tranh, thông báo hôm nay là một bước quan trọng để đảm bảo tương lai cho ngành này”, bà Kellie Parker, Giám đốc điều hành Tinto, nhận định.
Australia sở hữu trữ lượng than, khí đốt, kim loại và khoáng sản dồi dào, giúp nước này duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang phải đối mặt với các trận cháy rừng dữ dội và hạn hán ngày càng nghiêm trọng mà các nhà khoa học cho rằng do tình trạng biến đổi khí hậu.
Những năm gần đây, Australia đã đẩy mạnh các nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, cam kết giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.