Kể từ khi Chính phủ Australia thực hiện chính sách cách ly bắt buộc từ giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ nước ngoài, hơn 63.000 người nhập cảnh vào nước này đã được đưa vào các cơ sở cách ly, và chính quyền các bang và lãnh thổ đã phải chi hơn 118 triệu AUD (gần 80 triệu USD) cho chương trình này.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, do phải đón nhận số lượng lớn các chuyến bay quốc tế tại sân bay Sydney, chính quyền bang New South Wales phải gánh vác phần lớn chi phí cách ly và kiểm dịch, sau đó các bang khác sẽ có kế hoạch hoàn trả cho bang này chi phí cho các cư dân của mình.
Theo Lực lượng Biên phòng Australia, kể từ khi chính sách cách ly bắt buộc có hiệu lực, 81.000 người đã nhập cảnh vào nước này, trong đó 63.000 người đã thực hiện cách ly tại các khách sạn được chỉ định, và số còn lại, bao gồm phi hành đoàn các chuyến bay, doanh nhân quốc tế và nhân viên quốc phòng, phải tuân thủ các quy định khác.
Cho đến nay, 62% trong tổng số hơn 7.300 ca mắc COVID-19 ở Australia là lây nhiễm từ nước ngoài. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm giảm số người nhập cảnh vào Australia, nhưng theo ước tính của Chính phủ Australia, số lượng hiện nay là khoảng 6.500 người mỗi tuần.
Trong bối cảnh Australia chưa sẵn sàng mở cửa biên giới cho du lịch quốc tế trong năm nay cũng như chưa có dấu hiệu cho thấy các nước khác sẽ sớm mở cửa biên giới, một số bang ở Australia đang tìm cách giảm bớt áp lực cho ngân sách. Lãnh thổ Bắc Australia đã yêu cầu người dân được cách ly chi trả các hóa đơn trong thời gian cách ly, trong khi chính quyền bang Queensland sẽ bắt đầu thực hiện việc này từ tháng 7 tới. Phó Thủ hiến bang Queensland , Steven Miles cho biết đây là khoản kinh phí đáng kể cần được huy động cho kế hoạch phục hồi của bang.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cũng thông báo Nội các sẽ xem xét cách tốt nhất để quản lý chi phí của chương trình cách ly bắt buộc trong thời gian tới. Trong khi đó, giới chức quản lý khách sạn, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch và các hạn chế đi lại, cho rằng chương trình cách ly bắt buộc không giúp được nhiều cho ngành. Ông Michael Johnson thuộc Cơ quan Lưu trú Du lịch Australia cho biết mặc dù có hàng nghìn người được cách ly tại khách sạn mỗi đêm, hoạt động kinh doanh tại các khách sạn ở thành phố Sydney vẫn chưa vượt quá 20% công suất, chưa tính đến các khách sạn đã đóng cửa.
Trong diễn biến khác, ngày 19/6, New Zealand thông báo không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 nào sau khi phát hiện 3 trường hợp dương tính được phát hiện trong tuần này. Số lượng xét nghiệm được thực hiện trong ngày 18/6 đã tăng mạnh, với 6.273 xét nghiệm và New Zealand có thể thực hiện hơn 12.000 cuộc xét nghiệm/ngày.
Liên quan tới hai ca mắc được ghi nhận trong ngày 16/6, những trường hợp này đã được phép rời khỏi khu cách ly sớm hơn 14 ngày vì lý do nhân đạo để đi từ Auckland tới Wellington, Bộ Y tế New Zealand hiện đang theo dõi 401 người có liên quan tới 2 phụ nữ này, và tới nay đã có 174 người trong số này có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện số ca mắc và nghi mắc COVID-19 tại New Zealand là 1.507 người, trong khi số ca tử vong vẫn là 22 người, và số bệnh nhân bình phục là 1.482 người.