Armenia đối mặt với vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới

Armenia đang bị cuốn vào một vòng xoáy khủng hoảng chính trị sau ngày 3/10, Thủ tướng Nikol Pashinyan đã sa thải 6 bộ trưởng vì lý do các nghị sĩ từ chối đề nghị của ông về tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (ảnh) đã sa thải 6 bộ trưởng ngày 3/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Các bộ trưởng bị sa thải đứng đầu các bộ năng lượng, phát triển kinh tế, nông nghiệp và giao thông vận tải. Họ là thành viên của các đảng Dasnaksutkon và Armenia thịnh vượng. Quyết định sa thải các bộ trưởng trên được đưa ra một ngày sau khi Quốc hội thông qua dự luật sửa đổi Luật Quốc hội nhằm cản trở việc giải tán cơ quan lập pháp để tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Các phe phái trong Quốc hội Armenia đã không đồng ý đề cử ứng cử viên cho chức Thủ tướng trong trường hợp ông Pashinyan từ chức như kế hoạch thông báo trước đó. Theo Hiến pháp Armenia, trong trường hợp Thủ tướng từ chức và Quốc hội không bầu được Thủ tướng mới sau hai lần bỏ phiếu, Quốc hội sẽ bị giải tán.

Trong khi đó, ngày 2/10, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Pashinyan, hàng chục nghìn người dân Armenia đã xuống đường biểu tình và phong tỏa mọi lối vào tòa nhà Quốc hội, yêu cầu sớm giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp sớm.

Thủ tướng Pashinyan lên nắm quyền lãnh đạo Armenia hồi tháng 5 vừa qua sau khi nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng liên quan tới việc Quốc hội bầu cựu Tổng thống Serzh Sargsyan làm thủ tướng.

Tuy nhiên, ông Sargsyan đã phải từ chức trước áp lực của các cuộc biểu tình phản đối do phe đối lập tiến hành. Tuy nhiên, ông gặp nhiều khó khăn trong điều hành đất nước vì các nghị sĩ là đồng minh của cựu Tổng thống Sargsyan chiếm đa số trong Quốc hội. Thủ tướng Pashinyan đặt mục tiêu tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn trong năm nay, thay vì phải đợi tới năm 2022.

Thúc Anh (TTXVN)
Đức kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Armenia
Đức kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Armenia

Ngày 3/5, Bộ Ngoại giao Đức đã kêu gọi giới chức Armenia và phe đối lập nhanh chóng tìm một giải pháp hòa bình và hiến pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bằng việc tham gia đối thoại sâu rộng, cởi mở để có thể sớm thành lập một chính phủ mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN