Phát biểu tại một hội nghị về tài chính được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của G20 sắp diễn ra tại Roma, Italy, Tổng thống Fernández nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét lại một cấu trúc tài chính quốc tế mới trong bối cảnh tác động từ đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và nợ công đang gây khó khăn cho các nước có thu nhập trung bình như Argentina.
Nhà lãnh đạo của quốc gia Nam Mỹ này cho rằng việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nên được triển khai với mục đích xây dựng một hiệp ước toàn cầu, trong đó ưu tiên các quốc gia dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, cũng như gặp khó khăn trong các vấn đề liên quan đến sản xuất xã hội và tài chính công.
Cùng với đó, Tổng thống Argentina cảnh báo về nguy cơ bùng phát nợ nước ngoài tại các nước đang phát triển, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy một hiệp định đa phương bao trùm và bền vững với khả năng hỗ trợ giải quyết vấn đề tái cơ cấu các khoản nợ công của các nước có thu nhập trung bình.
Ông Alberto Fernández khẳng định lập trường ủng hộ ý tưởng thúc đẩy các hệ thống tài chính mới, đồng thời nghiên cứu phát triển cơ chế thanh toán cho dịch vụ hệ sinh thái và đẩy mạnh ý tưởng "hoán đổi nợ" lấy các dự án xanh.
Hội nghị thượng đỉnh về tài chính của nhóm G20 được Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italy Mario Draghi đồng chủ trì ngày 20/10 vừa qua với mục đích xem xét lại cấu trúc và tính thanh khoản của các khoản nợ quốc tế, cũng như thúc đẩy các nguồn tài chính dành cho phát triển trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.