Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO) của Anh nêu rõ lần đầu tiên sau hơn 50 năm, tình trạng của căn cứ này sẽ không còn là vấn đề gây tranh cãi và được bảo đảm về mặt pháp lý.
Bộ Ngoại giao Anh cho rằng thỏa thuận này sẽ đảm bảo hoạt động an toàn và lâu dài cho căn cứ quân sự. Ngoại trưởng Anh David Lammy khẳng định thỏa thuận này cũng sẽ ngăn chặn nguy cơ các hòn đảo bị sử dụng làm "tuyến đường di cư bất hợp pháp nguy hiểm đến Anh".
Bộ trưởng Ngoại giao Mauritius, Maneesh Gobin coi đây là "ngày đáng nhớ" và là "thời khắc quan trọng" trong mối quan hệ giữa nước này với Anh.
Trong khi đó, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh thỏa thuận mang tính lịch sử này và việc kết thúc các cuộc đàm phán giữa Anh và Mauritius. Theo Tổng thống Mỹ, "đây là minh chứng rõ ràng rằng thông qua ngoại giao và quan hệ đối tác, các quốc gia có thể vượt qua những thách thức lịch sử lâu đời để đạt được kết quả hòa bình và cùng có lợi". Ông cũng đánh giá địa điểm này "đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia, khu vực và toàn cầu".
Năm 1965, Anh quyết định tách Quần đảo Chagos khỏi thuộc địa Mauritius, thành lập một căn cứ quân sự tại đó và cho Mỹ thuê. Sau khi giành độc lập vào năm 1968, Mauritius đã tuyên bố chủ quyền với Quần đảo Chagos.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Anh trao trả Quần đảo Chagos - một trong những lãnh thổ hải ngoại cuối cùng của nước này. Năm 2019, Tòa án Công lý Quốc tế đã khuyến nghị Anh trả lại những hòn đảo xa xôi này. Cùng năm đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng bỏ phiếu kêu gọi Anh rút khỏi đây. Các cuộc đàm phán về tương lai của Quần đảo Chagos đã bắt đầu vào năm 2022.