Anh nỗ lực phủ vaccine ngừa COVID-19 các cộng đồng thiểu số

Sharna Marie, 20 tuổi, mắc một chứng bệnh di truyền khiến cô lo ngại ảnh hưởng của vaccine ngừa COVID-19 đối với sức khỏe.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại bệnh viện Guy ở London, Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, một chứng rối loạn máu di truyền, cô gái đến từ Birmingham chưa và cũng không chắc khi nào sẽ tiêm vaccine. Marie nói rằng sẽ không vội đưa ra quyết định và có lẽ sẽ chờ thêm một vài năm để đánh giá tác động của vaccine.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, Marie nằm trong số 8,5% những người từ 12 tuổi trở lên ở Anh chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, khiến Chính phủ và ngành y tế lo ngại khi Anh bước vào giai đoạn mới của đại dịch sau khi dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch vào tháng trước. Số ca mắc COVID-19 tại Anh trong vòng 7 ngày tính đến ngày 8/3 đã tăng 39,2% lên gần 323.000 ca trong khi số ca nhập viện tăng hơn 11% lên 8,763 ca.

Số liệu của Chính phủ Anh cho thấy, kể từ khi chương trình tiêm chủng quốc gia bắt đầu vào tháng 12/2020, tính đến ngày 7/3, gần 52,7 triệu người từ 12 tuổi trở lên (91,6%) đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 49 triệu người (85,4%) tiêm 2 mũi và gần 38,4 triệu người (66,8%) đã tiêm 3 mũi hoặc mũi tăng cường. Theo phân tích dữ liệu của tờ Financial Times, chiến dịch tiêm chủng của Anh đứng thứ 12 trên toàn cầu, tính theo mũi tiêm thứ ba trên 100 người.

Mặc dù chương trình tiêm chủng quốc gia của Vương quốc Anh được đánh giá là thành công lớn, song tỷ lệ gần 9% dân số chưa tiêm vaccine, phần lớn là phụ nữ mang thai, người dưới 30 tuổi và nhóm các sắc tộc thiểu số, là mối quan ngại không nhỏ. Một quan chức Chính phủ cho biết chiến dịch tiêm vaccine nhìn chung đã thành công, song không có chỗ cho sự tự mãn.

Đối với các bà mẹ tương lai, rủi ro của việc chưa tiêm chủng đặc biệt lớn. Theo số liệu chính thức, trong khoảng thời gian từ 1/2 đến 30/9/2021, khoảng 98,7% bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại khoa chăm sóc tích cực là những người chưa tiêm chủng. Đáng ngại hơn, phụ nữ sinh con chỉ tiêm một mũi vaccine chiếm tới 41,3%.

Một nguyên nhân được cho là khiến phụ nữ mang thai do dự trong việc tiêm vaccine là hướng dẫn không nhất quán về tiêm chủng. Tháng 12/2020, phụ nữ mang thai được khuyến cáo không nên tiêm vaccine ngừa COVID-19, sau đó khuyến cáo này lại đổi ngược vào tháng 4/2021. Bà Joeli Brearley, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện hỗ trợ phụ nữ mang thai, Pregnant Then Screwed, cho rằng điều này khiến nhiều bà mẹ tương lai vẫn đang cố gắng có được thông tin rõ ràng trước khi quyết định tiêm.

Tháng 12/2021, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng, cơ quan tư vấn khoa học của Chính phủ, khẳng định ưu tiên tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai. Ngoài phụ nữ mang thai, người trẻ tuổi và những người thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số cũng là những đối tượng chương trình tiêm chủng đang nhắm tới. Các quan chức y tế cho biết, nhìn chung, việc tăng tỷ lệ tiêm vaccine tại các thành phố lớn - nơi có sự đa dạng về sắc tộc và dân số có xu hướng trẻ hóa - vẫn là một thách thức. Tiến sĩ Justin Varney, quan chức phụ trách y tế cộng đồng tại Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Anh, cho biết, những người dưới 25 tuổi chiếm gần 40% tổng số 1,1 triệu dân của thành phố, và chỉ có 130.000 người trong tổng số hơn 230.000 người trong độ tuổi 18-29 tại Birmingham đã tiêm vaccine. Những người trẻ tuổi ở Birmingham viện nhiều lý do thiếu thuyết phục cho việc không tiêm vaccine, như lo ngại khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng đối với cả phụ nữ và nam giới, hoặc thông tin về chương trình tiêm chủng rất khó hiểu.

Việc tăng tỷ lệ tiêm chủng trong các cộng đồng sắc tộc thiểu số thậm chí còn khó hơn. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, tính đến cuối năm 2021, chỉ có 40% người trưởng thành ở vùng England là người da đen gốc Caribbea hoặc gốc Phi, hoặc người Pakistan, đã tiêm 3 mũi vaccine, so với tỷ lệ 68% đối với người Anh da trắng.

Tiến sĩ Habib Nagvi, quan chức giám sát về y tế và sắc tộc tại Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS), cho rằng niềm tin là một trong những vấn đề trong suốt đại dịch. Giới chức y tế hiện đang làm việc với các nhóm cộng đồng để tìm hiểu rõ hơn mối quan tâm của người dân về độ an toàn của vaccine. Ông Amin Tarbiat, người làm việc tại một nhóm cộng đồng người Iran ở Liverpool, cho biết “Hội đồng thành phố biết rằng chúng tôi được tin tưởng hơn chính quyền địa phương”. Ông Tarbiat hiện đang giúp chính quyền địa phương dịch các tài liệu y tế và chống tin giả về vaccine.

Tại London, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất so với cả nước, chính quyền thành phố đang áp dụng chương trình này tại các cộng đồng chưa tiêm chủng. Tại quận trung tâm London, Westminster, nơi chỉ có 39% số người trên 12 tuổi đã tiêm 3 mũi, Hội đồng địa phương dùng một xe buýt nhỏ làm trung tâm tiêm chủng tạm thời. Ông Damien Carmody, phụ trách hoạt động của trung tâm, cho biết trung tâm cung cấp thông tin về vaccine bằng các ngôn ngữ khác nhau và nhấn mạnh những người không có giấy tờ vẫn được tiêm chủng.

Nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai chương trình tiêm chủng cho thấy cần xem xét lại sự tương tác giữa các dịch vụ y tế và một số cộng đồng. Tiến sĩ Andrew Steeden, quan chức phụ trách các trạm y tế địa phương tại khu vực Tây Bắc London, cho biết tỷ lệ mắc và tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 phản ánh mức độ nghiêm trọng về bất bình đẳng y tế. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm tới các cộng đồng chịu thiệt thòi.

Minh Hợp (TTXVN)
Áo đình chỉ luật bắt buộc tiêm vaccine phòng COVID-19
Áo đình chỉ luật bắt buộc tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 9/3, Chính phủ Áo cho biết nước này đang đình chỉ luật bắt buộc tất cả người trưởng thành phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, chỉ một tháng sau khi trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định nghiêm ngặt trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN