Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh, David Frost nói với phóng viên sau khi đến Brussels rằng đoàn đàm phán của ông sẽ nỗ lực hết sức để đạt được một thỏa thuận.
Anh và Liên minh châu Âu (EU) thống nhất nối lại các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit tại Brussels sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Hai bên nhất trí thực hiện nỗ lực cuối cùng để hoàn tất một thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12.
Trước đó, các đoàn đàm phán của Anh và EU gặp bế tắc và buộc phải tạm dừng các cuộc đàm phán vào cuối ngày 4/12. Theo một tuyên bố chung giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, hai bên tiếp tục có "những khác biệt đáng kể" về một số vấn đề quan trọng mà từ lâu đã làm đình trệ tiến độ đàm phán. Hai bên đồng ý rằng các nhóm đàm phán cần phải nỗ lực hơn nữa để đánh giá về việc liệu có thể được giải quyết những bất đồng hay không.
Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, “cuộc ly hôn” kéo dài 5 năm sẽ có một cái kết tồi trong bối cảnh nền kinh tế Anh và EU đều đang chịu những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Các nhà quan sát đã cảnh báo sự gián đoạn thương mại sâu sắc cho cả hai bên, với những nguy cơ tiềm tàng trong nhiều lĩnh vực.
Hầu hết các nhà đầu tư và ngân hàng đều kỳ vọng rằng Anh và EU cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại. Do đó, kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ tác động mạnh đến giá trị đồng bảng Anh. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý gây bất ngờ vào ngày 24/6/2016 đã khiến đồng bảng Anh giảm 8% so với đồng USD, đây là mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ thời kỳ tỷ giá hối đoái được tự do thả nổi vào những năm 1970.
Về vấn đề thương mại, sau ngày 31/12, hàng hóa của Anh sẽ mất quyền tiếp cận với mức thuế và hạn ngạch bằng 0 khi nhập khẩu vào thị trường chung châu Âu với 450 triệu người tiêu dùng. Quan hệ thương mại của Anh với khối 27 quốc gia EU sẽ dựa trên quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các khoản thuế theo đó sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng đáng kể đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Hoạt động giao dịch hàng hóa tại biên giới có nguy cơ bị gián đoạn, đặc biệt là tại các điểm giao nhau chính, với nguy cơ thiếu hụt một số loại thực phẩm có thể xảy ra do Anh nhập khẩu 60% thực phẩm tươi sống. Sự gián đoạn cũng sẽ được cảm nhận rõ ràng nhất trong các lĩnh vực phụ thuộc vào chuỗi cung ứng như ô tô, thực phẩm và đồ uống. Các ngành khác có khả năng bị ảnh hưởng sẽ bao gồm dệt may, dược phẩm và các sản phẩm hóa chất và dầu mỏ.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm 47% kim ngạch thương mại của khối này vào năm 2019. Anh có thâm hụt thương mại 79 tỷ bảng (106 tỷ USD) với EU, thặng dư dịch vụ 18 tỷ bảng trong khi thâm hụt 97 tỷ bảng trong thương mại hàng hóa.
Theo dự báo của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh, Brexit không thỏa thuận sẽ làm sản lượng kinh tế của Anh trong năm 2021 giảm thêm 2% trong khi làm gia tăng lạm phát, thất nghiệp và vay nợ công. OBR cho biết mức thuế quan theo quy định của WTO và sự gián đoạn biên giới sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận của nền kinh tế như ngành sản xuất đang phục hồi tương đối bình yên sau đại dịch COVID-19.
Tác động về lâu dài có thể gây thiệt hại lớn cho cả Anh và 27 thành viên EU còn lại. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là đối tác thương mại lớn nhất của Anh tại EU. Cú sốc đối với châu Âu sẽ khác nhau, song những nước có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Ireland, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Luxembourg, Malta và Ba Lan. Viện nghiên cứu kinh tế Halle dự báo các công ty xuất khẩu của EU sang Anh có thể mất hơn 700.000 việc làm nếu không có thỏa thuận thương mại nào được thống nhất.