Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa yêu cầu Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA) tiến hành điều tra các ngân hàng lớn ở nước này để xác minh xem khả năng về vốn có đúng như các ngân hàng này đã từng công khai tuyên bố hay không.
Động thái này được coi là một trong những bước đi của BoE nhằm chỉnh đốn lại hệ thống ngân hàng của "đảo quốc sương mù" sau khi hàng loạt ngân hàng bị cuốn vào các vụ bê bối, trong đó có vụ thao túng lãi suất liên ngân hàng London (Libor) và bán sai bảo hiểm bảo vệ thanh toán (PPI).
BoE cho rằng bốn ngân hàng lớn nhất của Anh có thể cần từ 5-35 tỷ Bảng (8-56 tỷ USD) vốn bổ sung do các ngân hàng này đã báo cáo không đúng thực tế về độ rủi ro của số tài sản đang nắm giữ trong các bảng quyết toán. Theo BoE, tỷ lệ vốn mà các ngân hàng này nắm giữ - vốn được coi là nền tảng chính để đảm bảo sự ổn định về tài chính - nhiều khả năng cũng được công bố cao hơn con số thực tế bởi vì các ngân hàng đánh giá quá cao giá trị tương lai của chi phí quản lý tài sản trong khi đánh giá quá thấp chi phí quản lý từ bảo hiểm bảo vệ thanh toán và các hoạt động khác.
Thống đốc BoE Mervyn King cho biết có ba lý do khiến cho BoE nghi ngờ về "sức khỏe" tài chính của các ngân hàng của nước này là dự báo thua lỗ trong hoạt động tín dụng tương lai có thể được báo cáo giảm bớt đi; chi phí từ các sai phạm trong quản lý có thể chưa được nhận thức đầy đủ và các ngân hàng có thể quá lạc quan về ảnh hưởng của các rủi ro khi tính toán tỷ lệ vốn của mình. Ông King cũng khẳng định rằng Bộ Tài chính sẽ không cung cấp thêm vốn bổ sung trong trường hợp các ngân hàng này cần thêm tiền, hay nói cách khác là sẽ không quốc hữu hóa thêm các ngân hàng này nữa.
Mặc dù ông Thống đốc BoE không thừa nhận rằng các ngân hàng đang cố tình dùng thủ đoạn để né tránh quy định, nhưng thông báo mà BoE đưa ra có thể sẽ tạo ra làn sóng chỉ trích nhằm vào các ngân hàng vì bị cho là đã điều chỉnh các bản báo cáo nhằm "đánh bóng" khả năng tài chính của mình.
Huy Hiệp (PV TTXVN tại London)