Trường hợp điển hình gần đây nhất là ông Wu Xiaohui - chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Anbang - được cho bị triệu tập bởi chính quyền hôm 16/6 trong khuôn khổ một cuộc điều tra của chính phủ. Tập đoàn bảo hiểm Anbang sau đó chỉ đưa ra thông báo ngắn gọn là ông Wu “không thể thực hiện nghĩa vụ lãnh đạo bởi những lý do cá nhân”.
Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Anbang Wu Xiaohui. |
|
CNN cho biết ông Wu Xiaohui vào tháng 3 đã có cuộc gặp với gia đình con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump - ông Jared Kushner liên quan đến một tòa nhà tại Manhattan, New York (Mỹ).
Bloomberg đánh giá Chủ tịch Anbang Wu Xiao là một trong những doanh nhân có mối quan hệ thân thiết với giới chính trị tại Trung Quốc. Được biết ông Wu Xiao là cháu rể của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Sự biến mất đột ngột của ông Wu Xiaohui là trường hợp mới nhất trong những năm gần đây với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc “bốc hơi” khiến các nhân viên và cổ đông ngỡ ngàng.
CNN cho biết trong năm 2015, đã có hàng chục giám đốc công ty Trung Quốc biến mất, một vài trong số họ đã quay trở lại trong khi nhiều người khác lại không.
Một ví dụ là Chủ tịch tập đoàn Fosun, ông Guo Guangchang, được mệnh danh là Warren Buffett của Trung Quốc, đã mất tích một vài ngày vào thời điểm cuối năm 2015. Sau khi ông Guo Guangchang xuất hiện trở lại, Tập đoàn Fosun chỉ thông báo rằng vị chủ tịch này đã hỗ trợ các nhà cầm quyền trong những cuộc điều tra.
Một trường hợp khác được biết tới là vào tháng 1/2016, nhà sáng lập công ty may mặc hàng đầu Trung Quốc Metersbonwe, ông Zhou Chengjian đã biến mất. Sau 10 ngày ông này quay trở về làm việc. Đến nay Metersbonwe chưa đưa ra bất cứ giải thích nào liên quan đến thời gian ông Zhou Chengjian mất tích.
Sự biến mất của người đứng đầu các doanh nghiệp, tập đoàn đã phổ biến trong những năm gần đây tại Trung Quốc. |
Một lý giải được CNN đưa ra là những vụ biến mất này có thể nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các cuộc điều tra của Bắc Kinh về việc thị trường chứng khoán nước này lao đao trong mùa hè năm 2015.
Năm 2016, tình trạng doanh nhân biến mất trở nên trầm lắng hơn nhưng một làn sóng tương tự lại dậy lên sau cuộc gặp của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc trong mùa thu năm đó.
Đầu năm 2017, ông Liu Shiyu, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc cam kết sẽ bắt giữ thêm các ông trùm kinh doanh (còn được gọi là đại cá sấu) liên quan đến hành vi làm lũng đoạn thị trường.