Theo dữ liệu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), lệnh phong tỏa toàn quốc từ 24/3 đã giảm 90% mức ô nhiễm không khí tại quốc gia này – ngay cả ở điểm nóng như Delhi. Tình trạng ô nhiễm không khí thuyên giảm cũng diễn ra tại Trung Quốc.
COVID-19 đã cướp đi mạng sống của nhiều người và gây tổn hại kinh tế lớn. Nhưng dịch bệnh này cũng khiến thế giới có thay đổi khác biệt, tạo quan tâm về một tương lai với không khí dễ thở hơn.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết việc Ấn Độ và Trung Quốc có thể xử lý tập quán canh tác nông nghiệp và công nghiệp hóa có thể thay đổi tương lai. Giảm ô nhiễm có thể cứu sống sinh mạng của hàng triệu người.
Trong những tháng cuối năm, khói mù thường bao phủ các thành phố từ Delhi tới Kolkata, khiến người dân phàn nàn khó thở và buộc nhiều trường học, văn phòng phải đóng cửa.
21 thành phố Ấn Độ nằm trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm không khí tồi tệ nhất năm 2019. Theo dữ liệu năm 2016, người Ấn Độ mất 5,3 tuổi thọ do ô nhiễm không khí. Vấn đề ô nhiễm không khí là vấn đề chung và khẩn cấp về kinh tế nhưng nỗ lực chính sách tại Ấn Độ để xử lý còn nhẹ nhành và chưa hiệu quả.
Trong những thành phố Ấn Độ, Delhi là nơi quyết liệt nhất chống ô nhiễm không khí. Delhi còn áp dụng chính sách biển số xe chẵn lẻ, tiêu chuẩn nghiêm ngặt với khí thải xe cộ… song vẫn chưa đạt hiệu quả rõ rệt.
Một trong những nguồn gây ô nhiễm đặc biệt tại Delhi bắt nguồn từ đốt rác thải nông nghiệp tại các bang lân cận Punjab và Haryana. Chỉ trong một tuần tháng 11/2019, 46% khí thải của Delhi bắt nguồn từ việc đốt rác thải nông nghiệp này.
Mặc dù chính quyền bang Punjab và Haryana đều trợ cấp để giúp nông dân chyueern sang tập quán thân thiện hơn với môi trường nhưng họ phàn nàn rằng các thiết bị cần thiết lại quá đắt đỏ và không có địa điểm để thải rác dư thừa.
Dưới đây là video không khí tại Ấn Độ trong lành hơn trong thời gian phong tỏa vì COVID-19 (nguồn: ABC News):
Trung Quốc và Ấn Độ có chung tham vọng kinh tế và lịch sử công nghiệp hóa nhanh chóng. Cả hai quốc gia này đều phải đối mặt với thách thức về ô nhiễm không khí nhưng Trung Quốc đã thành công hơn. Chỉ có 2 thành phố Trung Quốc nằm trong nhóm 30 thành phố ô nhiễm nhất 2019, và 14 thành phố khác nằm trong nhóm 50.
Khi khói mù “oanh tạc” Bắc Kinh năm 2013, chính phủ nước này đã phản ứng bằng việc ban hành kế hoạch hành động chất lượng không khí toàn quốc. Ngoài việc cải thiện khả năng giám sát và thi hành luật lệ, một chiến lược then chốt là tập trung vào cấm các nhà máy nhiệt than, đẩy mạnh quảng bá về nhà máy năng lượng khí đốt tự nhiên.
Những biện pháp phụ trợ khác bao gồm hạn chế sản xuất công nghiệp theo mùa, phạt các nhà máy vi phạm tiêu chuẩn, ban hành tiêu chuẩn về khí thải của phương tiện…
Nỗ lực kiểm soát ô nhiễm của Trung Quốc được hỗ trợ bởi chính quyền trung ương. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, các nhà lãnh đạo lưỡng lự áp dụng chính sách có thể gây gánh nặng cho các cử tri của đảng.