Ấn Độ phạt tiền những người không đeo khẩu trang

Những người không đeo khẩu trang trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành tại Ấn Độ đều sẽ bị phạt tiền.

Trong nỗ lực ngăn ngặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Chính phủ Ấn Độ đã đánh giá cao vai trò của chiếc khẩu trang và coi việc đeo thứ "phụ kiện" này là quy định bắt buộc đối với người dân ở các thành phố lớn.  

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 11/3. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát trên cả nước Ấn Độ đã thu được hàng trăm nghìn USD tiền phạt những người cố tình phớt lờ quy định đeo khẩu trang, từ 200 rupee (2,65 USD) tại thành phố Bangalore đến 1.000 rupee tại thành phố Mumbai.

Trên mạng xã hội Twitter, cảnh sát Bangalore tuần trước cho biết đã thu được hơn 132.000 USD tiền phạt trong vòng một tháng. Trong khi đó, cảnh sát New Delhi cho biết họ đã phải đưa ra hơn 42.000 giấy phạt kể từ tháng 3, riêng trong ngày 12/7 vừa qua có 792 giấy phạt, đối với những trường hợp không đeo khẩu trang hoặc không tuân thủ những quy định khác về giãn cách xã hội trong mùa dịch. Tại thành phố Firozabad thuộc bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, những người vi phạm quy định đeo khẩu trang không phải nộp phạt nhưng phải tham gia một lớp học dài 4 giờ về giãn cách xã hội và viết 500 lần "Phải đeo khẩu trang". 

Mặc dù tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều người dân quốc gia Nam Á này cho rằng không thoải mái và bất tiện khi đeo khẩu trang che kín mặt. Do đó, việc người dân chỉ treo khẩu trang ở tai hoặc không kéo khẩu trang che kín mũi, thậm chí không đeo khẩu trang, là cảnh tượng quen thuộc trên nhiều đường phố ở Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi thường chỉ trích 1,3 tỷ dân Ấn Độ "bất cẩn" trong công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Thành phố Bangalore, trung tâm công nghệ của Ấn Độ tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa trong vòng 7 ngày, từ ngày 14/7 sau khi số ca nhiễm mới tại nước này tiếp tục tăng nhanh, sắp chạm ngưỡng 1 triệu người với khoảng 500 ca tử vong mỗi ngày. Theo đó, hoạt động đi lại sẽ bị cấm trừ những tình huống khẩn cấp và chỉ những cửa hàng bán các mặt hàng thiết yếu được phép mở cửa. Các công ty công nghệ liên quan đến hoạt động của các tập đoàn toàn cầu có thể được mở cửa nhưng chỉ 50% nhân viên được phép có mặt tại nơi làm việc. 

Ngoài Bangalore, thành phố Pune ở miền Tây Ấn Độ, cũng áp đặt lệnh phong tỏa mới sau khi tổng số ca bệnh tăng lên 40.000 người và 23 ca tử vong. Các bang Uttar Pradesh, Tamil Nadu và Assam cũng ban hành những biện pháp hạn chế mới. 

Sau khi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa được coi là nghiêm ngặt nhất trên thế giới từ cuối tháng 3, Ấn Độ đã nới lỏng dần dần những biện pháp hạn chế nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới lại tiếp tục tăng lên hơn 900.000 người với hơn 24.000 ca tử vong do COVID-19 ghi nhận trong ngày 13/7. Các chuyên gia cảnh báo đỉnh dịch vẫn còn kéo dài vài tuần nữa. Mumbai và New Delhi vẫn là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, nhưng Bangalore, thành phố miền Nam Ấn Độ gồm 13 triệu dân, đã trở thành điểm nóng dịch bệnh mới.

Trần Quyên (TTXVN)
Bang Victoria của Australia công bố kế hoạch ứng phó toàn diện dịch COVID-19
Bang Victoria của Australia công bố kế hoạch ứng phó toàn diện dịch COVID-19

Ngày 14/7, chính quyền bang Victoria của Australia đã công bố một kế hoạch ứng phó toàn diện nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN