Ấn Độ hoãn thử nghiệm ghép nối không gian SpacDeX

Ngày 6/1, Ấn Độ quyết định hoãn việc thử nghiệm ghép nối không gian SpacDeX (Space Docking Experiment) lại vài ngày.

Chú thích ảnh
Tên lửa Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV-C60), mang theo hai vệ tinh SDX01 (Chaser) và SDX02 (Target), rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở bang Andhra Pradesh, ngày 30/12/2024. Ảnh minh họa: ANI/TTXVN

Theo Cơ quan vũ trụ Ấn Độ (ISRO), quá trình ghép nối không gian cần được tiếp tục xác minh thông qua mô phỏng trên mặt đất, song không cho biết thêm chi tiết. Công nghệ này ban đầu được dự kiến thử nghiệm vào sáng 7/1.

SpacDeX là thử nghiệm cần thiết cho dịch vụ vệ tinh, hoạt động của trạm vũ trụ và các sứ mệnh liên hành tinh, đưa Ấn Độ đóng vai trò đáng kể trong lĩnh vực thám hiểm và thương mại vũ trụ.

Sứ mệnh SpaDeX được thực hiện bằng tên lửa Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV-C60), mang theo hai vệ tinh nhỏ SDX01 (Chaser) và SDX02 (Target), mỗi vệ tinh nặng 220 kg. Các vệ tinh được phóng lên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 470 km, với độ nghiêng 55 độ. 

Mục tiêu chính của SpaDeX là thực hiện ghép nối hai vệ tinh trong không gian vào ngày 7/1/2025, đánh dấu bước tiến lớn trong khả năng phục vụ vệ tinh, xây dựng trạm không gian và các nhiệm vụ không gian phức tạp khác. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu công nghệ ghép nối không gian.

Ghép nối không gian (space docking) là công nghệ then chốt cho các sứ mệnh yêu cầu phóng nhiều lần hoặc cần sự hợp tác giữa các tàu vũ trụ trong không gian. Các vệ tinh của SpaDeX sẽ thử nghiệm việc chuyển đổi năng lượng điện giữa hai thiết bị đã ghép nối, phục vụ các ứng dụng như điều khiển tàu vũ trụ hỗn hợp, robot không gian và vận hành tải trọng sau khi tách ghép.

Sứ mệnh này cũng bao gồm các thiết bị tiên tiến, như hệ thống hình ảnh và cảm biến bức xạ để đo mức độ phóng xạ electron và proton trong không gian – dữ liệu cần thiết cho các sứ mệnh không gian có người lái trong tương lai.

Đây là bước tiến quan trọng, đưa Ấn Độ tiến gần hơn tới việc gia nhập nhóm các quốc gia tiên tiến sở hữu công nghệ này như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Chủ tịch ISRO - ông S. Somanath nhấn mạnh sứ mệnh này mở ra cơ hội lớn cho Ấn Độ trong thị trường không gian toàn cầu. Ông nêu rõ: “Thành công của công nghệ này không chỉ khẳng định vị thế của Ấn Độ trong lĩnh vực không gian mà còn thu hút các sứ mệnh quốc tế cần cơ sở hạ tầng ghép nối và lắp ráp trong không gian”.

Trong khi đó, nhà thiên văn học Somak Raychaudhary thuộc trường Đại học Ashoka nhận định việc sở hữu công nghệ ghép nối không gian không chỉ nâng tầm ISRO mà còn giúp Ấn Độ gia tăng năng lực trong các nhiệm vụ không gian dài hạn và hợp tác quốc tế.                    

Thúc Anh (TTXVN)
SpaceX phóng thành công 21 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo
SpaceX phóng thành công 21 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo

Sáng 23/12 (giờ Mỹ), hãng không gian tư nhân SpaceX đã thực hiện thành công vụ phóng 21 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN