Shrabonti Saikia, sinh sống tại bang Assam (Đông Bắc Ấn Độ), trở thành góa phụ khi năm ngoái, chồng cô qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Bà mẹ 36 tuổi với 3 đứa con và thất nghiệp bỗng thấy mình rơi vào một tương lai bế tắc. Không giống như một số bang khác của Ấn Độ cho phép các góa phụ làm việc trong các cơ quan chính phủ, chính quyền bang Assam gần đây đã thông qua chính sách hai con, cấm những người có ba con trở lên đảm nhận vị trí công viên chức. Quy định có hiệu lực từ tháng 1/2021.
Saikia nói: “Công việc trong các cơ quan nhà nước sẽ giúp chúng tôi đảm bảo về mặt tài chính. Tôi đã phải đi ăn xin và vay mượn người thân mở tiệm may. Chúng tôi hầu như không có tiền sau khi trả các khoản nợ hàng tháng”.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tương tự như Assam, nhiều bang Ấn Độ đã áp dụng chính sách gia đình 2 con. Những công dân nào có 2 con trở lên sẽ bị tước một số quyền cơ bản như tham gia tranh cử, tiếp cận các khoản vay ngân hàng... Tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ có hiệu lực trong từng khu vực chứ không phải luật chung của cả quốc gia.
Luật sư Upadhyay là một trong số ngày càng nhiều người hối thúc chính phủ ban hành luật kiểm soát dân số trong những năm gần đây. Ông Upadhyay cho rằng Ấn Độ cần khẩn trương thông qua “luật kiểm soát dân số dựa trên mô hình của Trung Quốc để tạo ra một xã hội văn minh, khỏe mạnh, cân bằng kinh tế và chính trị”.
Luật sư Upadhyay chỉ ra chính tình trạng dân số ngày càng tăng tại Ấn Độ là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tội phạm gia tăng và ô nhiễm môi trường, đồng thời kéo theo tình trạng khan hiếm nguồn lực và việc làm.
Năm 2018, 125 nghị sĩ đã hối thúc tổng thống thực thi chính sách hai con ở Ấn Độ thông qua sắc lệnh. Trong một bài phát biểu năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi cho biết tình trạng bùng nổ dân số của Ấn Độ đang là một vấn đề bất cập và đặt ra những thách thức cho tương lai.
Tuy nhiên, một bộ phận chuyên gia cho rằng chính sách hai con mà một số bang đang áp dụng bị coi là xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Bà Ranjana Kumari - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi - cho biết: “Xu hướng chính trị hiện tại liên quan nhiều đến quyền tự chủ cá nhân của công dân. Điều này có thể là bình thường trong chế độ chuyên quyền nhưng hoàn toàn không thể chấp nhận được trong nền dân chủ lớn nhất thế giới”. Bà Kumari còn chỉ ra hình mẫu chính sách của Trung Quốc đã được chứng minh là “có tầm nhìn hạn hẹp, không bền vững và mang tính thảm họa”.
“Chính sách này đã bị hủy bỏ vào năm 2015. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc cho phép người dân nước họ được sinh hai con. Nhưng nó vẫn để lại một hệ quả đau đớn như hành vi cưỡng bức triệt sản, tỷ lệ phá thai và tỷ lệ sinh giảm, nhiều bé gái bị bỏ rơi dẫn tới mất cân bằng giới tính, dân số già nhanh và lực lượng lao động ngày càng khan hiếm”, Kumari giải thích.
Santanu Mishra – người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Smile Foundation – nhấn mạnh một cách hiệu quả hơn để thu hẹp quy mô gia đình tại Ấn Độ là tuyên truyền giáo dục, trao quyền cho phụ nữ và xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ấn Độ có nhiều cô dâu trẻ em nhất thế giới, với hơn 27% trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi.