Theo các nguồn tin, các phái đoàn của 3 nhà trung gian hòa giải gồm Ai Cập, Qatar và Mỹ, cùng phái đoàn của Israel sẽ tham dự các cuộc đàm phán, dự kiến diễn ra trong hai ngày 21 và 22/8. Trong khi đó, các đại diện của Ai Cập, Mỹ và Israel hiện đang ở Doha (Qatar) - nơi diễn ra các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn hồi đầu tuần, sẽ thảo luận "các điểm kỹ thuật" của thỏa thuận ngừng bắn để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tại Cairo.
Trong hai ngày 15-16/8, các nhà đàm phán Israel đã họp với đại diện Mỹ, Qatar và Ai Cập, tiến hành các cuộc đàm phán sâu rộng nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, trong đó có việc trả tự do cho các con tin bị Hamas bắt giữ, cùng những người Palestine đang bị giam giữ. Tuy nhiên, Hamas vắng mặt trong cuộc họp này, cáo buộc Israel đưa ra các yêu cầu mới ngoài đề xuất trước đó, vốn nhận được sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế cũng như đã được Hamas đồng ý về nguyên tắc.
Trong tuyên bố chung, công bố ngày 16/8, cả 3 nước trung gian hòa giải cho biết đã đưa ra "đề xuất bắc cầu" đối với Hamas và Israel, phù hợp với các nguyên tắc của Nghị quyết số 2735 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức, toàn diện và triệt để" ở Gaza. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Trung Đông "gần hơn bao giờ hết", song lưu ý về việc "vẫn chưa đạt được" thỏa thuận này.
Cairo, Doha và Washington đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tuần giữa Israel và Hamas (kết thúc vào cuối tháng 11/2023), song các nỗ lực hòa giải tiếp theo trong vài tháng qua song chưa mang lại kết quả nào.
Cũng trong ngày 17/8, một quan chức cấp cao của Israel đã bác bỏ tuyên bố lạc quan của Tổng thống Biden về việc thỏa thuận ngừng bắn ở Trung Đông "gần hơn bao giờ hết", sau các cuộc đàm phán tại Qatar.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 17/8 bày tỏ "lạc quan thận trọng" về triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas tại Gaza.
Nhóm đàm phán Israel đã "bày tỏ lạc quan thận trọng" với Thủ tướng về "khả năng thúc đẩy một thỏa thuận" dựa trên đề xuất mới nhất của Mỹ do Tổng thống Joe Biden đưa ra ngày 27/5. Tel Aviv kỳ vọng áp lực từ Washington và các bên trung gian quốc tế sẽ khiến Hamas nhượng bộ.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Tiếng nói Nam Bán cầu lần thứ ba, do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, ngày 17/8, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar cho biết một số quốc gia tham gia Hội nghị đã đề cập đến tình hình tại Dải Gaza và bày tỏ mong muốn hai bên tiến tới lệnh ngừng bắn và nối lại đàm phán.
Theo Ngoại trưởng Jaishankar, một số quốc gia lo ngại về thương vong của dân thường ở Gaza trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Ông cũng nhận định vấn đề này cần được nêu ra tại Liên hợp quốc để tất cả các thành viên đóng góp kiến nghị, mặc dù có thể khó đạt được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia.