Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập giải thích cuộc điều tra của chính phủ nước này đã xác định những công ty trên vi phạm luật pháp và quy định về việc tổ chức các chuyến hành hương Hajj và Umrah. Các công ty này đã tạo điều kiện cho công dân Ai Cập đi hành hương Hajj bằng thị thực du lịch tới Saudi Arabia, thay vì xin thị thực Hajj được cấp với mục đích duy nhất là hành hương tại những địa điểm linh thiêng và cho phép vào thánh địa Mecca, nơi diễn ra các nghi lễ Hajj.
Người đứng đầu Cơ quan quản lý các doanh nghiệp lữ hành Samia Sami cho biết Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Ai Cập Sherif Fathy đã chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ này đẩy nhanh điều tra các công ty liên quan đến những hành vi vi phạm nêu trên.
Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết thêm cơ quan này cam kết thực hiện các hành động pháp lý cần thiết để khắc phục vấn đề trên và đảm bảo rằng tất cả các công ty đều tuân thủ mọi luật lệ cũng như quy định về quản lý hoạt động của mình. Bộ trên cũng kêu gọi các công dân đặt trước các chuyến hành hương Hajj thông qua các công ty được cấp phép có yêu cầu về thị thực Hajj trước khi thực hiện chuyến đi này.
Điều 21 Luật quản lý hành hương Hajj của Ai Cập quy định mức phạt tài chính từ 1-3 triệu bảng Ai Cập (khoảng từ 21.000 đến 63.000 USD) đối với bất kỳ thực thể nào bị phát hiện tổ chức các chuyến hành hương Hajj vi phạm pháp luật. Nếu tái phạm, số tiền phạt và hình phạt sẽ tăng gấp đôi.
Khoảng 650 người Ai Cập đã thiệt mạng trong cuộc hành hương Hajj tới thánh địa Mecca năm nay do nắng nóng như thiêu đốt, trong đó hầu hết các nạn nhân này đã đến Saudi Arabia để thực hiện cuộc hành hương Hajj mà không có giấy phép. Để ứng phó với thảm kịch trên, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã ra lệnh thành lập một nhóm đặc trách do Thủ tướng Madbouly đứng đầu để xác định nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm kịch này.