Ai Cập – Điểm đến mới của các nhà xuất khẩu Trung Quốc giữa căng thẳng thương mại

Để duy trì hoạt động bán hàng cho thị trường Mỹ mà không phải gánh chịu mức thuế cao, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang ngày càng linh hoạt và sáng tạo trong tìm kiếm những con đường gián tiếp và giải pháp thay thế mới.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, một trong những nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất Trung Quốc – Beifa Group – từng phụ thuộc tới 40% doanh thu vào thị trường Mỹ, đã buộc phải hủy bỏ nhiều hợp đồng vào tháng 4 khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tăng thuế.

Khi các lô hàng xuất sang Mỹ gần như bị “đóng băng”, Beifa đang khẩn trương tìm kiếm các thị trường thay thế. Tuy nhiên, theo nhà sáng lập công ty, không thể chỉ “vẽ một đường mới” là sẽ tìm được đầu ra ổn định.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, nhà sáng lập Beifa đã đích thân đến tận Ai Cập để tìm cơ hội mới. Dù vậy, tâm trí ông vẫn hướng về thị trường Mỹ – nơi ông chưa sẵn sàng từ bỏ.

Beifa quyết định tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, nhưng thông qua các quốc gia trung gian để lách thuế.

Với doanh thu hàng năm từ Mỹ lên tới 60 triệu USD, công ty này có thể phải cắt giảm nhân sự nếu không sớm tìm ra giải pháp.

Ông Qiu Bojing – con trai nhà sáng lập và hiện là Phó Chủ tịch Beifa – chia sẻ tình hình xuất khẩu sang Mỹ hiện nay rất bấp bênh.

“Chúng tôi và các đối tác Mỹ đang trì hoãn tăng đơn hàng cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về chính sách thuế quan”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng trước.

Beifa không đơn độc. Giống như nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc khác, công ty cũng đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường, nhưng tốc độ tăng thuế chóng mặt của Chính quyền Tổng thống Trump và hành động trả đũa sau đó của Trung Quốc đã khiến họ rơi vào thế bị động.

Trong năm 2025, Mỹ đã áp mức thuế cộng dồn lên tới 145% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, khiến tổng mức thuế thực tế tăng tới khoảng 156% so với trước. Đáp trả, Trung Quốc cũng nâng thuế lên 125% đối với hàng Mỹ, song song với mức hiện hành.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giữa lúc căng thẳng leo thang, việc Mỹ tuyên bố tạm ngừng tăng thuế trong 90 ngày đối với phần lớn các đối tác thương mại – ngoại trừ Trung Quốc – đã mở ra một khoảng thời gian chuẩn bị ngắn ngủi cho Beifa.

Để duy trì thị trường Mỹ trong dài hạn, Beifa đang tính đến giải pháp dài hơi: chuyển hướng qua Ai Cập.

“Tại sao lại là Ai Cập? Vì nước này đang có thâm hụt thương mại với Mỹ, nên có khả năng sẽ không bị áp mức thuế cao như Trung Quốc”, ông Qiu lý giải. Ai Cập hiện chỉ phải chịu mức thuế cơ bản 10% theo hệ thống của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, ông cũng cân nhắc xây dựng nhà máy tại Ai Cập – vừa để xuất khẩu sang châu Âu, vừa thâm nhập thị trường châu Phi.

Trong khi Tổng thống Trump kêu gọi các doanh nghiệp trở lại Mỹ, Beifa vẫn đang cân nhắc bước đi tiếp theo.

Ông Qiu đã lên lịch gặp gỡ đối tác Mỹ trong tháng này để bàn về khả năng xây dựng dây chuyền sản xuất tại Mỹ. Dù thừa nhận rằng điều đó sẽ không thể diễn ra sớm, đây vẫn là một hướng đi không bị loại trừ.

Một tín hiệu tích cực đã xuất hiện vào cuối tháng 4: Walmart – nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ – được cho là đã khuyến khích các nhà cung cấp ở Chiết Giang tiếp tục giao hàng. Động thái này được coi là chỉ dấu cho thấy những ngày tồi tệ nhất có thể đã qua, dù nguy cơ từ thuế cao vẫn hiện hữu.

Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này đang theo dõi sát sao các tín hiệu từ Washington về khả năng đàm phán giảm thuế.

Tại Ninh Ba – nơi đặt trụ sở của Beifa, cả giới doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều đang cảm nhận sâu sắc tác động của chính sách thuế quan. Ông Qiu cho biết các quan chức tại đây đã ở trong “trạng thái thời chiến” từ đầu tháng 4 để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng nguy cơ mất việc là không tránh khỏi. “Chính phủ cần sẵn sàng cho một số lượng lao động bị sa thải”, ông nói.

Song song đó, chính quyền địa phương cũng cảnh báo các công ty nên hạn chế phụ thuộc vào thị trường vốn Mỹ.

Beifa đang cân nhắc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Các chính sách thất thường của Tổng thống Trump, kết hợp với căng thẳng địa chính trị, khiến công ty này nghiêng về phương án niêm yết tại Hong Kong, thay vì Mỹ.

“Việc chọn Mỹ giờ đây ngày càng ít khả thi hơn và chúng tôi cũng đã nhận được những 'lời nhắc nhở chân thành' từ cơ quan chức năng về các rủi ro khi niêm yết tại đó”, ông Qiu cho biết.

Tháng trước, Beifa nằm trong nhóm doanh nghiệp tham gia hội thảo tại Ninh Ba với lãnh đạo của Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX), bao gồm cả CEO Bonnie Chan. “Hong Kong dường như là lựa chọn hợp lý duy nhất hiện tại”, ông kết luận.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Giá vàng giảm gần 1% do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt
Giá vàng giảm gần 1% do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt

Giá vàng thế giới giảm gần 1% trong phiên giao dịch 29/4, khi những tín hiệu tích cực về việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhu cầu trú ẩn an toàn giảm bớt. Trong khi đó, giới đầu tư đang chờ đợi loạt số liệu kinh tế quan trọng trong tuần này để đánh giá triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN