Theo ông Maait, hàng triệu người trên thế giới có thể thiệt mạng do khủng hoảng giá lương khởi phát từ cuộc chiến ở Ukraine. Nhận định này cũng phù hợp với cảnh báo mà Liên hợp quốc và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra trước đó, nhằm bày tỏ lo ngại về thiếu hụt nguồn cung lúa mỳ trầm trọng.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times trong khuôn khổ chuyến thăm tới London, ông Mohamed Maait cảnh báo về vấn nạn mất an ninh lương thực trên thế giới. “Đây là điều chúng ta phải rất cẩn trọng. Thật là đáng xấu hổ nếu như phải chứng kiến hàng triệu người thiệt mạng vì mất an ninh lương thực. Họ không phải chịu trách nhiệm về điều đó, họ không làm điều gì sai trái cả”, Bộ trưởng Maait nói.
Bình luận trên được đưa ra ít ngày sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo xung đột Ukraine có thể đẩy hàng chục triệu người lâm vào nạn đói. Phát biểu tại cuộc họp tại Liên hợp quốc ngày 18/5, ông Guterres cho rằng nạn đói toàn cầu đã leo thang lên cấp độ mới và cuộc chiến ở Ukraine, tình trạng biến đổi khí hậu cùng đại dịch COVID-19 khiến khủng hoảng lương thực có thể kéo dài trong nhiều năm.
Đến ngày 19/5, G7 công bố sáng kiến “Liên minh toàn cầu vì an ninh lương thực” có sự hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm điều phối phản ứng trong ngắn hạn. G7 hướng đến mục tiêu tăng nguồn cung lương thực, phân bón và nhiêu liệu, trợ giúp tài chính cho những nước dễ bị tổn thương nhằm tránh lâm vào nạn đói.
G7 bày tỏ lo ngại đặc biệt về tác động toàn cầu của cuộc chiến tại Ukraine, cho rằng cuộc chiến có thể làm gia tăng nạn đói và suy dinh dưỡng, nghèo đói và các bất bình đẳng khác trong và ngoài khu vực; làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu.
Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Có khoảng 70 triệu dân Ai Cập phụ thuộc vào bánh mỳ được bán với giá rẻ thông qua hệ thống trợ giá lương thực, thực phẩm mà chính phủ cho triển khai. Trước khi nổ ra xung đột Ukraine, Ai Cập nhập khẩu phần lớn lúa mỳ từ Nga và Ukraine.