Được ví như “lá phổi xanh” của Trái Đất và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới nhưng đang bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng thời gian gần đây.
Theo bản đồ đầu tiên của RAISG cập nhật về Amazon, từ năm 2012 đến nay, khoảng 513.000 km2 rừng này đã bị tàn phá. Trước đó vào năm 2003, RAISG cũng ghi nhận diện tích bị tàn phá ở mức cao kỷ lục là 49.240 km2 và giảm xuống 17.674 km2 vào năm 2010.
RAISG cảnh báo rừng Amazon đang bị tàn phá nghiêm trọng so với cách đây 8 năm, đồng thời chỉ ra sự gia tăng nhanh chóng của nạn phá rừng kể từ năm 2012. Theo đó, diện tích rừng bị tàn phá hằng năm tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2015-2018. Trong đó, tính riêng năm 2018 là 31.269 km2, mức tàn phá nghiêm trọng nhất kể từ năm 2003.
Rừng Amazon trải dài trên 8 quốc gia Nam Mỹ gồm Brazil, Colombia, Peru, Bolivia, Ecuador, Venezuela, Suriname và Guyana (lãnh thổ hải ngoại của Pháp). Trong đó, có tới 60% tổng diện tích rừng nằm trong lãnh thổ Brazil. Tuy nhiên, nước này đang vấp phải nhiều chỉ trích nhất khi có tới 425.051 km2 rừng bị tàn phá trong giai đoạn từ năm 2000-2018.
Trước đó, theo số liệu của Dự án theo dõi thảm thực vật Amazon bằng vệ tinh (PRODES) thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), nạn phá rừng tại quốc gia Nam Mỹ này đã tăng lên 11.088 km2, mức cao nhất trong 12 năm qua tính từ tháng 7/2019 - 7/2020, tăng 9,5% so với năm trước đó. Nạn phá rừng tại Brazil bắt đầu tăng lên khi Tổng thống Jair Bolsonaro cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới, cũng như thúc đẩy mở rộng khai khoáng và nông nghiệp tại các vùng đất vốn được bảo vệ.