Theo báo cáo tài chính hàng năm của UBS, hơn 3,5 triệu người đã mất danh hiệu “triệu phú đô la Mỹ” vào năm 2022 trong lần sụt giảm tài sản toàn cầu đầu tiên, do lạm phát cao và tiền tệ gặp khó khăn gây ra, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tờ Guardian dẫn báo cáo của UBS cho biết số người trưởng thành có tài sản trị giá trên 1 triệu đô la Mỹ đã giảm từ 62,9 triệu người vào cuối năm 2021 xuống còn 59,4 triệu người vào cuối năm 2022. Ngân hàng Thụy Sĩ này cho biết của cải trên toàn cầu đang suy giảm do lạm phát cao và sự sụp đổ của nhiều loại tiền tệ so với đồng USD.
Số lượng triệu phú ở Mỹ giảm 1,8 triệu người xuống còn 22,7 triệu, nhưng vẫn có nhiều triệu phú hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trung Quốc có số triệu phú cao thứ hai với 6,2 triệu.
Bất chấp sự suy giảm trên, báo cáo cho thấy số triệu phú USD đang nhiều gấp bốn lần so với thời điểm chuyển giao thế kỷ 20 - 21.
Ở Anh, số triệu phú giảm 440.000 người xuống còn 2,6 triệu, mức giảm lớn thứ ba sau Nhật Bản, giảm từ 3,2 triệu xuống 2,6 triệu. Australia ghi nhận mức giảm lớn thứ tư, với 360.000 người không còn được coi là triệu phú, giảm tổng số xuống còn 1,8 triệu.
Ngoài ra, số người sở hữu hơn 50 triệu USD đã giảm 22.500 người xuống còn 243.000 người.
Theo một nghiên cứu riêng cho chỉ số tỷ phú Bloomberg, 500 người giàu nhất hành tinh đã thiệt hại tổng cộng 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Ông Elon Musk, người giàu nhất thế giới và đồng sáng lập Tesla, đã thất thoát 138 tỷ USD tài sản vào năm 2022, thời điểm mà ông hoàn tất việc mua lại mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD.
Người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, người từng là một trong 10 người giàu nhất thế giới, đã mất gần 81 tỷ USD giá trị tài sản ròng và dừng lại ở mức 45 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Theo các nhà kinh tế học của UBS, giới siêu giàu, khá giả và nghèo đều sụt giảm tổng tài sản vào năm 2022. Đây là lần đầu tiên họ ghi nhận sự sụt giảm về tài sản ròng của các hộ gia đình trên thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tài sản do tư nhân nắm giữ trên thế giới đã giảm 11,3 nghìn tỷ USD tương đương 2,4%, xuống còn 454 nghìn tỷ USD. Tài sản trung bình trên mỗi người trưởng thành giảm 3.200 USD xuống còn 84.718 USD. Ngân hàng UBS nhận xét kết quả này thể hiện bước ngoặt trong quá trình mở rộng tài sản hộ gia đình gần như không bị gián đoạn trong thế kỷ này.
Sự suy giảm tài sản sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn trên thực tế do lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới. Tài chính của các hộ gia đình đã bị siết chặt do giá cả mọi thứ từ thực phẩm đến năng lượng tăng mạnh. Trong khi đó, “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa – đang thúc đẩy và định hình lại các nền kinh tế.
Ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS, cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một giai đoạn thay đổi kinh tế đáng kinh ngạc. Những thay đổi sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đại diện cho biến động cơ cấu mạnh mẽ nhất trong 250 năm. Hóa ra, các cuộc cách mạng đều mang tính cách mạng – các mối quan hệ xã hội cũng như kinh tế sẽ bị thách thức bởi quá trình này”.
Tỷ lệ tài sản do 1% người giàu nhất thế giới nắm giữ giảm nhẹ xuống 44,5%, đảo ngược phần nào sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Để lọt vào tốp 1% hàng đầu đó, bạn cần sở hữu số tài sản ít nhất là 1.081.342 USD.
Báo cáo năm 2018 của UBS cho thấy các tỷ phú kiếm được nhiều tiền hơn trong năm 2017 so với bất kỳ năm nào trong lịch sử được ghi lại. Tài sản của họ tăng thêm 1/5 lên tổng cộng 8,9 nghìn tỷ USD.