Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết trong số 12 triệu trẻ sơ sinh ra đời vào năm 2020, cứ 100 bé gái sẽ có 111,3 bé trai được sinh ra. Trong thống kê toàn quốc năm 2010, tỷ lệ bé trai so với bé gái là 118,1/100, theo cuộc điều tra dân số lần thứ 7 của Trung Quốc do Cục Thống kê Quốc gia công bố vào tuần trước.
Tuy số bé gái đã tăng nhẹ so với kết quả thống kê dân số năm 2010, nhưng các chuyên gia nhận định việc cân bằng giới tính sẽ rất khó để giải quyết trong thời gian "một sớm một chiều".
Theo Stuart Gieten-Basten, Giáo sư Khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, những con số trên phản ánh nhiều gia đình Trung Quốc vẫn mong muốn sinh con trai hơn con gái.
"Thông thường ở Trung Quốc, đàn ông thường cưới vợ trẻ hơn mình nhiều tuổi. Nhưng khi dân số già đi, số đàn ông lớn tuổi tiếp tục tăng lên, làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, ngày càng nhiều phụ nữ muốn sống độc thân hơn khiến hệ thống hôn nhân bị đảo lộn", ông nói.
Bjourn Alpermann, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc đương đại tại Đại học Julius Maximilian tại Würzburg (Đức) cho biết vào thời điểm những đứa trẻ sinh năm ngoái đến tuổi kết hôn, sẽ có sự thiếu hụt rất lớn về các cô dâu.
“Trong số 12 triệu trẻ sinh ra vào năm 2020, 600.000 bé trai sẽ không thể tìm được bạn đời cùng tuổi khi lớn lên”, ông Alpermann nói.
Jiang Quanbao, Giáo sư Nhân khẩu học tại Đại học Xian Jiaotong, cho biết theo ước tính, từ năm 1980 đến năm 2020, số nam giới được sinh ra ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới khoảng 30 triệu đến 40 triệu người.
Ông Jiang cho rằng chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng từ năm 1979 tới năm 2016 đã làm bùng nổ việc các gia đình Trung Quốc tìm cách sinh con trai khi họ chỉ có một cơ hội để sinh đẻ. Ngoài ra, thống kê của Trung Quốc cũng chỉ ra tỷ lệ sinh nở của nước này trung bình là 1,3 trẻ em/ 1 phụ nữ, thấp hơn nhiều mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Ông Cai Yong, Phó Giáo sư về nhân khẩu học xã hội tại Đại học North Carolina (Mỹ), cho biết đàn ông thuộc các tầng lớp xã hội thấp hơn là nhóm người gặp khó khăn nhất trong việc tìm vợ.
"Do thuộc tầng lớp xã hội thấp, họ thường không có khả năng cạnh tranh. Những người này hầu hết đều sinh sống tại các vùng nông thôn và thường có học vấn thấp”, ông Cai cho biết.
Tuy nhiên, ông Cai muốn bác bỏ giả định thường thấy rằng số đàn ông độc thân dư thừa sẽ gây bất ổn xã hội và làm tăng tỷ lệ tội phạm. Ông cũng đề cập đến việc những người độc thân sẽ có nhiều khả năng gặp vấn đề về sức khỏe hơn.
“Nếu không kết hôn, những người đàn ông độc thân này sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm lý yếu hơn. Người Trung Quốc thường sống dựa vào vợ, chồng và con cái khi tuổi già, nhưng những người đàn ông này sẽ không có mối quan hệ như vậy”, ông nói.
Ở một số quốc gia khác, đàn ông độc thân sẽ đi tìm vợ ở nước ngoài nhưng đây không phải cách giải quyết dễ dàng tại Trung Quốc vì quy mô của vấn đề.
“Chúng ta đang nói đến khoảng 20-30 triệu đàn ông tìm vợ, con số này thậm chí còn lớn hơn dân số của một số quốc gia”, ông Cai nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Isabelle Attane, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Pháp, cho biết tình trạng thiếu phụ nữ ở Trung Quốc đã khiến địa vị xã hội của họ được cải thiện hơn.
“Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc bắt đầu coi trọng con gái hơn và coi họ là chỗ dựa đáng tin cậy khi về già”, bà Attane nói.
Do đó, bà Attane dự kiến tỷ lệ giới tính lúc sinh của Trung Quốc sẽ bình thường trở lại trong thập kỷ tới. Tỷ lệ trung bình toàn cầu là khoảng 105 trẻ em trai/100 trẻ em gái.
Tuy nhiên, ông Alpermann tỏ ra ít lạc quan hơn. Ông cho rằng việc thay đổi nhận thức xã hội “sẽ mất nhiều thời gian”.
“Tâm lý thích sinh con trai không thay đổi sẽ làm chênh lệch tỷ lệ giới tính khi sinh. Người ta vẫn sẽ tìm cách để sinh con trai và sẽ có nhiều thai nhi mang giới tính nữ bị phá bỏ hơn ”, ông nói.