Lời kêu gọi này được đề cập trong một bức thư có chữ ký của trên 230 nhà lãnh đạo đã mãn nhiệm, các chuyên gia y tế, chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Thủ tướng Gordon Brown, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng tham gia ký vào bức thư, trong đó có nội dung kêu gọi G20 cần phải đưa ra một kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ USD để tháo gỡ những khó khăn từ cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.
Nhấn mạnh đến việc những nước nghèo hơn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả của đại dịch này, các nhà lãnh đạo, các chuyên gia đề nghị các nước phát triển giảm nợ cho 76 quốc gia, tăng gấp 2 lần quỹ hỗ trợ khẩn cấp và đóng góp hàng tỷ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19.
Bức thư nhấn mạnh: "Đây là thời điểm đúng đắn để các nhà lãnh đạo G20 tiến hành hội nghị lần 2... để thống nhất về giải pháp ứng phó có sự hợp tác mãnh mẽ hơn đối với các vấn đề khẩn cấp về y tế, kinh tế và xã hội.
Bức thư cũng nhấn mạnh tính cấp thiết G20 có hành động nhanh chóng, nếu không, tình trạng suy thoái do đại dịch COVID-19 sẽ chỉ sâu rộng hơn, gây tổn hại cho tất cả các nền kinh tế, những người và đất nước có hoàn cảnh đói nghèo nhất và bần cùng nhất.
Trong thư, nhóm trên cũng đề cập đến việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các nước đang phát triển sẽ cần tới 2.500 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một phần nhỏ trong số đó được giải ngân. Do đó, nhóm này kêu gọi G20 cần thúc đẩy để gói cứu trợ này sớm được giải ngân.
Để làm được điều này, IMF, WB và các ngân hàng phát triển trong khu vực tăng tỷ lệ cho vay và mức trần cho vay. Ngoài ra, nhóm cũng kêu gọi hành động chống trốn thuế với các biện pháp trừng phạt các nước vi phạm luật định.
Bên cạnh đó, nhóm trên cũng hối thúc sự hợp tác toàn cầu trong công tác nghiên cứu và phát triển vaccine để đảm bảo vaccine được phân phối miễn phí trên toàn thế giới với tốc độ nhanh nhất có thể.
G20 đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp theo hình thức trực tuyến vào tháng 3 vừa qua. Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 11/2020.