Giới chức lo ngại bùn than chứa nhiều quặng khoáng sản chảy ra từ đập chứa chất thải của thuộc quản lý của Tập đoàn khai thác khoáng sản hàng đầu của Brazil Vale, sẽ dần dần làm ô nhiễm sông Sao Francisco, con sông lớn thứ 2 tại Brazil.
Dòng sông này là nơi mưu sinh của nhiều thị trấn dọc hai bên bờ. Hiện Cơ quan cấp nước quốc gia Brazil (ANA) vẫn đang tiến hành kiểm tra hàng ngày tại vùng phụ lưu Paraopeba với 220km đất bị bùn lầy bao phủ sau vụ vỡ đập. Kết quả thí nghiệm cho thấy nồng độ kim loại trong nước đã vượt mức khuyến cáo.
Trong khi đó, người dân địa phương cho biết đã xuất hiện tình trạng cá chết nổi trên mặt nước. Hiện tượng này đặc biệt gây lo ngại bởi dòng phụ lưu Paraopeba là nơi cung cấp nguồn cá và nước tưới tiêu chủ yếu cho người dân trong khu vực.
Kiểm tra mới nhất của ANA cho thấy nồng độ sắt, nhôm và ma-giê trong nước đang ở các mức đáng lo ngại. Nồng độ chì và thủy ngân ban đầu tăng cao nay cũng đã bắt đầu giảm xuống mức bình thường trong khi nồng độ arsen không gây lo ngại.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kiểm nghiệm chất lượng nước, chưa ai biết những chất thải gây ô nhiễm sẽ xâm nhập vào trong đất, trong chuỗi thực phẩm và trong hệ sinh thái chung như thế nào. Các chuyên gia cảnh báo phải mất tới vài năm mới có thể đánh giá được tác động dài hạn trên thực tế của vụ vỡ đập chứa chất thải kể trên.
Chuyên gia David Petley thuộc Đại học Sheffield (Anh) cho rằng hiện chưa thể kiểm định được mức độ độc hại của chất thải, cách thức chất độc xâm nhập vào hệ sinh thái và liệu chất thải có tiếp tục lan xa. Việc đưa ra các biện pháp tức thời sẽ rất tốn kém nhưng cần thiết để kiểm soát tình trạng ô nhiễm, đặc biệt trước nguy cơ chất thải sẽ tiếp tục lan xa theo các đợt lũ.
Trong khi vụ vỡ đập chứa chất thải lần này là sự cố công nghiệp tồi tệ nhất ở Brazil dựa trên mức độ thiệt hại về người thì một vụ vỡ đập khác, cũng thuộc sở hữu của Vale, xảy ra 3 năm trước ở cùng khu vực này, gần thị trấn Mariana, hiện vẫn đang là thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở "xứ Samba". Tác hại từ vụ vỡ đập khiến 60 triệu tấn chất thải tràn ra bên ngoài, cao gấp 4 lần mức 13 triệu tấn trong vụ vỡ đập lần này, vẫn chưa được đánh giá hết. Vụ vỡ đập này khiến 19 người thiệt mạng và gây ô nhiễm 650km đất dọc một dòng sông kéo dài tới Đại Tây Dương trong khi toàn bộ hệ sinh thái trong vùng ảnh hưởng đã bị phá hủy.
Cả hai thảm họa này đều là hậu quả từ việc tận dụng những hố sâu để lại sau quá trình khai thác quặng sắt, để chứa chất thải. Đây là cách tiết kiệm nhất để chứa chất thải những cũng là cách nguy hiểm nhất. Từ năm 2015, Vale đã bắt đầu ngừng chứa chất thải trong những đập kiểu này nhưng việc thực hiện cam kết tại đập mới vỡ diễn ra rất chậm, cho tới khi thảm họa xảy ra. Trong vụ vỡ đập Mariana, Vale đã phải trả khoảng 6 tỷ USD bồi thường và phạt.
Sau vụ vỡ đập mới, giới chức Brazil cũng đóng băng 3 tỷ USD tài sản của Vale để chi trả cho những thiệt hại do vụ việc gây ra cùng với đó là các hồ sơ kiện tụng sẽ sớm được đưa ra. Tuy nhiên, là công ty khai thác mỏ lớn thứ 3 thế giới, vụ việc lần này dù có lớn nhưng với mức doanh thu khoảng 34 tỷ USD năm 2017 và mức lợi nhuận 5,5 tỷ USD, Vale có thể sẽ vẫn tiếp tục tồn tại.