TPP: Thắng lợi cho ASEAN, thất bại của WTO?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có những tác động nào ở mức độ khu vực và toàn cầu? Bên cạnh đó, gánh nặng giờ đây cũng đè nặng lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tiếp tục chứng tỏ sự tồn tại hữu ích của mình.


Theo các nhà nghiên cứu, tác động của TPP lên khu vực ASEAN sẽ khác biệt với từng nước, phần lớn do thực tế rằng chỉ có 4/10 quốc gia ASEAN tham gia TPP. Tuy nhiên, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam được trông đợi là “người chiến thắng” khi có quyền tiếp cận lớn hơn đến các thị trường khác, đặc biệt là những thị trường nhiều lợi ích như Mỹ và Nhật Bản.

Bất kể lợi ích của các nước tham gia TPP trong ASEAN sẽ toàn diện hoặc được hiện thực hóa hoàn toàn đều sẽ phụ thuộc vào chính sách kinh tế trong nước và các chính phủ chuẩn bị ra sao cho sự thay đổi đó. TPP nhiều khả năng sẽ định hình chính sách của họ, nhằm đáp ứng các điều kiện của thỏa thuận.

Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP họp báo chung tại Atlanta ngày 5/10. Ảnh: Thanh Tuấn - P/v TTXVN tại Mỹ

Bên cạnh đó, TPP cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) kết nối với các mạng lưới sản xuất và tiếp cận những thị trường lớn hơn.

Tuy nhiên, TPP có thể làm chuyển hướng thương mại ở mức độ nhất định ở những nước ASEAN không tham gia TPP, với những nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Campuchia có thể chịu thiệt hại, do điểm đến xuất khẩu lớn nhất của họ hiện là Mỹ. Ngành ô tô ở những nước này cũng có thể chịu thiệt hại. TPP đòi hỏi ít nhất 45% phụ tùng ô tô phải có xuất xứ từ các nước TPP để xe có thể bán miễn thuế trong khối. Điều này dẫn đến hệ quả chuyển dịch thương mại của Thái Lan và các nước khác, vốn cung ứng phụ tùng ô tô cho các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, về tổng thể, có thể nói rằng ASEAN sẽ hưởng lợi với tư cách một khối. Tận dụng lợi thế của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), các mạng lưới sản xuất có thể tồn tại sẽ mở rộng tới nhiều nước trong khu vực và có điểm đến cuối cùng ở những nước tiêu thụ phát triển nhất trong TPP. Phạm vi của những mạng lưới sản xuất tiềm tàng sẽ lớn hơn các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khác do yêu cầu xuất xứ trong nước thấp hơn so với FTA Bắc Mỹ (62,5%), giúp các doanh nghiệp ASEAN có sự linh hoạt hơn.

Sau TPP là gì? Một kịch bản là số thành viên TPP sẽ mở rộng theo thời gian. Do TPP bao gồm điều khoản tiếp cận mở, hoan nghênh các nước khác tham gia chừng nào họ đáp ứng được điều kiện, các nước không phải thành viên cảm thấy thua thiệt có thể thúc đẩy thực hiện những cải cách với tốc độ nhanh hơn để đủ tư cách tham gia khối này.

Một kịch bản khác là do tác động chuyển dịch thương mại, TPP nhiều khả năng sẽ tăng tốc việc kết thúc đàm phán các FTA khác, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến kết thúc vào cuối năm nay. RCEP là FTA giữa các nước ASEAN với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, và Hàn Quốc. Không như TPP, RCEP gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, những nền kinh tế lớn và can dự sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các khối thương mại, như TPP, đang làm phức tạp địa dư quản trị thương mại toàn cầu do chúng thường đưa ra những quy định chồng chéo hoặc xung đột với nhau. Tương lai gần sẽ chứng kiến một hệ thống thương mại toàn cầu phân mảng hơn khi sự nổi lên của các khối thương mại đạt tốc độ. Điều gì xảy ra với WTO sau khi TPP đạt được tự do hóa thương mại mà không cần vai trò của WTO? Một vài cộng đồng doanh nghiệp đã nghi ngờ năng lực thúc đẩy thương mại tự do của WTO do tổ chức này có quá đông thành viên khiến khó đạt đồng thuận.

Đối với WTO, dù Gói Bali đã đạt được vào năm 2013, song vòng đàm phán đã gần như đổ vỡ. Với việc kết thúc đàm phán TPP, dường như đang có thêm sức ép lên WTO nhằm cơ cấu lại chương trình nghị sự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 10 tại Nairobi (Kenya) vào tháng 12 tới. Hội nghị Nairobi nên đề cập đến những biện pháp ứng phó với rào cản trong biên giới, tăng cường tính minh bạch trong quy định liên quan đến xúc tiến thương mại, thông qua các tiêu chuẩn và thực hành quốc tế tốt. Làm như vậy có thể giúp WTO vẫn duy trì sự tồn tại hiệu quả. Triển vọng tương lai của hệ thống thương mại quốc tế sẽ đặt vào vòng đàm phán Nairobi. Song, vào lúc này, người ta sẽ chỉ biết chờ đợi.
Việt Hải (P/v TTXVN tại Singapore)
Kinh tế Trung Quốc đối mặt với “tàu sân bay TPP”
Kinh tế Trung Quốc đối mặt với “tàu sân bay TPP”

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ví Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) “quan trọng như việc tăng thêm một chiếc tàu sân bay”, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố “không thể để các nước như Trung Quốc viết ra quy tắc kinh tế toàn cầu”. Xem ra khi “tàu sân bay TPP” rẽ sóng ra khơi, cuộc đấu tranh chiến lược kinh tế toàn cầu và khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN