Giới lập pháp Mỹ “ngóng chờ” văn bản TPP

Ngày 4/11, truyền thông Mỹ đưa tin giới nghị sĩ nước này đang "ngóng chờ" để được xem trực tiếp văn bản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo thông báo về thỏa thuận TPP vừa đạt được tại Hội nghị ở Atlanta ngày 5/10. Ảnh: THX-TTXVN

Tuy nhiên, hiện nhiều nhà lập pháp thuộc cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm sau.

Khi được hỏi về triển vọng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua, Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa Chuck Grassley thẳng thắn cho rằng "sẽ rất khó khăn, không phải là không thể thông qua, nhưng sẽ rất khó khăn." Còn Thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ, Maria Cantwell, cũng tán đồng với nhận định này, cho biết: "Năm tới là năm bầu cử, và trong năm bầu cử, khó mà làm bất cứ điều gì có kết cục lớn."

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ben Cardin nằm trong số các nhà lập pháp chưa cho biết quyết định của mình cho tới khi nào đọc được văn bản của TPP. Ông giải thích: "Dĩ nhiên phải dựa vào văn bản thỏa thuận đó xem nội dung bao hàm những gì. Phản ứng của phía công đoàn là chống lại TPP trong khi cộng đồng doanh nghiệp lại ủng hộ”.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Joni Ernst có cái nhìn lạc quan về những lợi ích từ TPP đối với nông dân ở bang quê nhà của bà. Bà Ernst cho biết: "Nhìn chung, bang Iowa chúng tôi xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, do đó, TPP là một điều tốt cho Iowa." Nhưng ngay chính Thượng nghị sĩ Ernst cũng không cam kết là sẽ dành phiếu thuận cho TPP cho tới khi nào bà được nghiên cứu văn bản của hiệp định này.

TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng của 12 nước thành viên tham gia đàm phán hôm 5/10, trong đó có 4 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Việt Nam, Singapore, Malaysia và Brunei. TPP sẽ ảnh hưởng đến gần 40% sản lượng kinh tế của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu từ các quốc gia thành viên.

* Báo Anh: TPP góp phần tăng cường an ninh mạng


Ngày 4/11, tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) đã đưa ra nhận định rằng một trong những mục tiêu quan trọng mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hướng tới đó là tăng cường an ninh mạng, ngăn chặn nạn tin tặc từ Trung Quốc. Trong khuôn khổ hiệp định này, các nước thành viên cần phải hình sự hóa những vụ tấn công của tin tặc nhằm vào giới doanh nghiệp để đánh cắp bí mật thương mại.


Mỹ, Nhật Bản và 10 nước thành viên khác đã kết thúc đàm phán TPP hồi tháng 10/2015 để mở ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn đứng ngoài TPP. Vì vậy, theo giới phân tích, Mỹ đang tìm cách soạn thảo lại luật lệ cho nền kinh tế thế giới trước khi Trung Quốc có thể áp đặt quyền lực chi phối của mình. TPP đưa ra những quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và tăng cường an ninh mạng. Điều này chứng tỏ Mỹ muốn thông qua TPP để thiết lập những chuẩn mực mới mà họ hy vọng có thể sớm được áp dụng trên phạm vi toàn cầu trong nỗ lực ngăn chặn nạn tin tặc.


Thời gian gần đây, số vụ tấn công của tin tặc nhằm đánh cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ đã gia tăng nhanh chóng. Mỹ cáo buộc rằng những tin tặc này có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì vậy, an ninh mạng và nạn tin tặc đã trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Mỹ còn đe dọa sẽ siết chặt lệnh trừng phạt tài chính đối với các công ty Trung Quốc có dính líu tới những vụ tấn công của tin tặc.


TN
TPP: Hoạch định một hành trình - Kỳ 1
TPP: Hoạch định một hành trình - Kỳ 1

Sau hơn 5 năm đàm phán, TPP đã đạt được thỏa thuận cơ sở, đưa 12 nước thành viên tiến gần hơn đến việc thành lập một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với tổng số dân 800 triệu người, chiếm 40% GDP toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN