Nhà Trắng cam kết hợp tác với Quốc hội Mỹ về TPP

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 27/10 cho biết Nhà Trắng sẽ hợp tác với Quốc hội nước này nhằm tìm kiếm một khung thời gian để các nhà lập pháp xem xét Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu cùng ngày tại Hội đồng Đại Tây Dương, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman bày tỏ tin tưởng sẽ giành được sự ủng hộ chính trị đối với TPP sau khi Mỹ và 11 quốc gia quanh vành đai Thái Bình Dương đạt được thỏa thuận cuối cùng hôm 5/10 vừa qua.

Ông Froman nêu rõ: “Đây chưa phải là một thỏa thuận hoàn hảo nhưng khi mọi người đi sâu vào chi tiết thỏa thuận, tôi tin tưởng các nghị sĩ của hai đảng sẽ ủng hộ và thông qua TPP”. Quan chức này khẳng định chính quyền của Tổng thống Obama sẽ hợp tác với các nhà lãnh đạo quốc hội về thời điểm phê chuẩn và thực thi TPP, đồng thời nhấn mạnh Nhà Trắng đang triển khai mọi bước đi cần thiết để thỏa thuận này sẵn sàng trình lên Quốc hội.

Theo ông Obama, TPP sẽ cho phép Mỹ xuất khẩu nhiều sản phẩm đóng mác "sản xuất tại Mỹ" trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters/TTXVN


Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel cảnh báo việc Quốc hội Mỹ bác bỏ TPP sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Washington, xét trên cả phương diện kinh tế lẫn an ninh-chính trị, tại khu vực này. Tuần trước, Hàn Quốc và Indonesia là hai quốc gia mới nhất xác nhận quan tâm tới việc gia nhập TPP. Mỹ cho biết TPP là một hiệp định mở, tức là bất kỳ nền kinh tế nào cũng có thể tham gia nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn trong một loạt lĩnh vực từ quyền của người lao động cho tới sở hữu trí tuệ.

Sau nhiều năm đàm phán đầy cam go và sáu ngày nước rút tại Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán TPP diễn ở thành phố Atlanta (Mỹ), ngày 5/10 vừa qua, các nước đối tác đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về văn kiện lịch sử này. Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, TPP vẫn cần phải nhận được sự phê chuẩn của quốc hội và chính phủ các quốc gia thành viên. Tại Mỹ, TPP tới nay vẫn là một vấn đề gây chia rẽ và căng thẳng trong quốc hội. Phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ thỏa thuận này nhưng hầu hết các nghị sĩ Dân chủ, dưới sức ép của các nghiệp đoàn, vẫn phản đối TPP do lo ngại vấn đề môi trường và nguy cơ người lao động Mỹ sẽ mất việc làm một khi TPP được thực thi.

Theo luật về Quyền thúc đẩy Thương mại (hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh – TPA) được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Obama ký ban hành ngày 29/6, cơ quan lập pháp nước này sẽ có thời hạn 90 ngày để xem xét và sau đó bỏ phiếu thông qua hoặc bác bỏ hiệp định TPP, chứ không có quyền sửa đổi. Như vậy, TPP chỉ có thể được Quốc hội Mỹ thông qua sớm nhất là vào đầu năm 2016. Theo ước tính, một khi được triển khai, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

TTXVN/Tin Tức
Ưu và nhược điểm của TPP
Ưu và nhược điểm của TPP

Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ nhắm đến hai mục tiêu công khai: thứ nhất là thiết lập một chế độ thương mại và điều tiết thị trường chung, mang nhiều đặc điểm của chính hệ thống Mỹ, và thứ hai là đưa sản phẩm và dịch vụ Mỹ tiếp cận một thị trường rộng lớn với hơn 800 triệu dân và chiếm gần 40% GDP thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN