Bí ẩn hồ nước trên núi băng Himalaya chứa hàng trăm bộ xương người

Phát hiện mới của các chuyên gia phân tích ADN đã khiến “Hồ Xương” nằm trên ngọn núi Himalaya thêm bí ẩn.

Chú thích ảnh
Hồ Roopkund. Ảnh: History

Kể từ ngày một hướng dẫn viên đường rừng người Anh bị vấp ngã tại hồ Roopkund, hay còn gọi là “Hồ Xương” ở phía Bắc Ấn Độ năm 1942, các chuyên gia đã phải đau đầu tìm lời giải cho bí ẩn về hàng trăm bộ xương người xuất hiện trong hồ nước đóng băng nhỏ và nông này. Họ cho rằng có ít nhất 500 bộ xương nằm dưới hồ. Chúng nằm rải rác và không bộ xương nào được tìm thấy còn nguyên vẹn. 

Theo trang History.com, thời gian trôi qua, hàng loạt giả thuyết đã được tung ra để giải thích về nguồn gốc những bộ xương, thời điểm và lý do tập trung tại “Hồ Xương”.

Đầu tiên, người ta cho rằng đó là hài cốt của các binh sĩ Nhật Bản tử nạn trong lúc băng qua dãy Himalaya thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, cấu trúc của xương lại quá lâu năm so với giai đoạn này. Một số người khác cho rằng đây là một thảm họa tự nhiên, một dịch bệnh lây nhiễm hay một nghi lễ tự sát tập thể.

Theo một giả thuyết hàng đầu, một trận mưa đá bất ngờ và mạnh kinh hoàng đã trút xuống đầu một nhóm người hành hương. Những viên đá cứng và khổng lồ đã đập vỡ đầu và vai họ. 

Hiện tại, kết quả phân tích ADN và nghiên cứu các-bon phóng xạ mới nhất lại làm dấy lên những câu hỏi mới về các bộ xương trong hồ Roopkund. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communication, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ của 38 bộ xương lấy từ hồ nước kỳ bí này với ba nhóm cá thể khác nhau, bao gồm 23 người đàn ông và phụ nữ gốc Nam Á, 14 người có gen liên quan đến vùng phía đông Địa Trung Hải và một cá nhân có gen liên quan đến Đông Nam Á.

Thế nhưng, ADN vẫn không phải yếu tố duy nhất tách biệt các nhóm người này với nhau. Trong khi niên đại của các bộ xương có nguồn gốc Nam Á được xác định ở khoảng năm 800 sau Công nguyên, những bộ hài cốt của nhóm người phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á lại mới hơn, khoảng năm 1800. 

Phát hiện này khiến người ta nghi ngờ về ý kiến rằng một vụ thảm họa nào đó đã khiến hàng trăm người cùng chết tại hồ Roopkund. Thay vào đó, họ đã xuất hiện ở đây vào những sự kiện khác nhau, cách nhau khoảng 1.000 năm. 

Chú thích ảnh
Những mảnh xương người nằm rải rác trong hồ Roopkund. Ảnh: History

Kết quả thử ADN trước đó của nhóm hài cốt khác lại cho thấy sự hiện diện của các thành viên liên quan đến nhau, ví dụ như cùng dòng họ hoặc bộ lạc, cùng với một nhóm người có vóc dáng nhỏ hơn hẳn. Dựa trên những thương tích ở vùng đầu giống nhau giữa các bộ xương đều ở năm 850 sau Công nguyên, các nhà khoa học đã kết luận một trận mưa đá đã giết toàn bộ đoàn người này. 

Giả thuyết này cũng tương đồng với một truyền thuyết ở địa phương rằng nữ thần núi Nanda Devi đã gọi một trận bão tuyết dữ dội đến trừng phạt một nhóm người hành hương đã làm ô uế mảnh đất thiêng của bà khi múa hát tại đây. 

Các nhà khoa học trong nghiên cứu gần đây lại tin hành vi tự sát tập thể trong một lễ tế tôn giáo mới là câu trả lời thích đáng nhất cho sự xuất hiện của một số bộ xương trong nhóm đầu họ xác định gen là gốc Nam Á. Tuy nhiên, họ vẫn còn nhiều câu hỏi về nhóm người thứ hai có gốc gen ở vùng Đông Địa Trung Hải, nơi các nghi thức tín ngưỡng Hindu không phổ biến. 

“Liệu rằng họ đang tham gia một cuộc hành hương hay bị lôi kéo đến hồ Roopkund vì các lý do khác, đó là một điều bí ẩn”, các nhà viên cứu viết. Cuộc điều tra sau này sẽ tập trung vào nghiên cứu lưu trữ nhằm phát hiện thông tin về các nhóm người ngoại quốc chết trên Himalaya trong vài thế kỷ gần đây. 

Do hồ Roopkund đóng băng hầu hết thời gian trong năm và chỉ thể tiếp cận bằng cách leo núi nhiều ngày liền, các chuyên gia tin rằng tại đây vẫn còn nhiều bộ xương nữa chưa được phát hiện. Tuy nhiên, khi “Hồ Xương” trở nên nổi tiếng, du khách leo núi đã đem xương về làm kỷ niệm, ảnh hưởng đến nỗ lực bảo tồn cũng như công tác khám phá bí ẩn. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Phát hiện nhiều hạt nhựa trong băng ở Bắc Cực và tuyết ở dãy núi Alps
Phát hiện nhiều hạt nhựa trong băng ở Bắc Cực và tuyết ở dãy núi Alps

Rác thải nhựa xâm lấn dưới lòng đại dương đã trở thành hiện thực không thể chối cãi, song giờ đây, các nhà khoa học còn phát hiện vô số hạt nhựa trong các lớp băng đá ở Bắc Cực và băng tuyết trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN