Những trận đấu kinh điển của Australia mở rộng

Australia mở rộng 2017 đã chính thức trình làng quần vợt thế giới những trận banh hấp dẫn. Xem Australia mở rộng của hiện tại, nhớ những “khoảnh khắc vàng” ghi dấu Grand Slam đầu tiên trong năm khắc nghiệt và đầy những bất ngờ.

Martina Navratilova gặp Chris Evert, chung kết năm 1981

Trong trận này, Navratilova giành chiến thắng 6 - 7 (7/4), 6 - 4, 7 - 5.

Trận chiến giằng co. Ảnh: Fox Sport


Đây là trận đấu thứ 45 trong tổng số 80 trận đấu tay đôi của cặp kỳ phùng địch thủ trời sinh. Thế nhưng trận banh giữa Martina Navratilova và Chris Evert năm 1981 được đánh giá là trận cầu hấp dẫn nhất giữa hai tay vợt huyền thoại của làng quần vợt nữ. Một trận banh giằng co bậc nhất cho đến tận bây giờ.

Khi ấy, Australia mở rộng vẫn còn thi đấu trên mặt sân cỏ và cán vợt vẫn còn làm bằng gỗ. Cả hai tay vợt giằng co từng điểm số. Séc đầu tiên Evert thắng và dẫn một lèo tới tỷ số 4 - 3 lợi thế cho cô ở séc đấu thứ 2.

Navratilova sực tỉnh, vội vã gỡ lại từng điểm số để gỡ hòa 1 - 1 với chiến thắng  ở séc 2. Được đà cô thắng tiếp 501 ở séc 3. Chiến thắng đã trong tầm tay.

Nhưng một khi đã gặp kỳ phùng địch thủ thì mọi chuyện không dễ dàng dừng lại ở đó. Evert lại vươn lên đưa tỷ số séc 3 hòa 5 - 5. Đến lúc này, Evert tận dụng một pha bóng dài để lên lưới thì Navratilova bỏ nhỏ bất ngờ khiến cô không kịp trở tay. Navratilova thắng 6 - 5 và nhờ đó hoàn tất chiến thắng séc 3 với tỷ số 7 - 5.

Pete Sampras gặp Andre Agassi, bán kết năm 2000

Agassi thắng 6 - 4, 3 - 6, 6 - 7 (0/7), 7 - 6 (7/5), 6 - 1

Giọt nước mắt vui sướng của Agassi. Ảnh: Fox Sport


Trong thời kỳ của mình Agassi và Sampras gặp nhau 34 trận. Thế nhưng chỉ có 2 trận đấu kéo dài tới 5 séc và bán kết Australia mở rộng năm 2000 là một trong số đó. Séc đấu thứ 4 kéo dài đến loạt tie-break là một trong những séc đấu nổi tiếng nhất lịch sử quần vợt mà ta còn ghi hình lại được.

Ở séc đấu thứ 3, Sampras có lợi thế tâm lý vô cùng lớn khi thắng liền 7 - 0 ở loạt tie-break trong một trận mà anh có tới 37 pha giao bóng ăn điểm trực tiếp.

Bước vào séc 4 nổi danh lịch sử, Sampras có 2 quả giao bóng lần 2 ăn điểm trực tiếp giúp anh dẫn trước 5 - 4. Nhưng Agassi mới là người có được chiến thắng cuối cùng đưa trận đấu về tỷ số hòa 2 - 2 và phải kéo dài đến séc đấu thứ 5 - hiệp đấu thực sự là cuộc ganh đua về thể lực.

Không giải quyết trận đấu được sau loạt bóng giằng co, Sampras thấm mệt và dễ dàng đầu hàng Agassi ở séc đấu thứ 5. Sau này khi nhớ lại, Sampras vẫn khẳng định: “Chúng tôi từng chơi với nhau 30 trận nhưng đây vẫn là trận đấu tuyệt vời nhất.”

Loạt tie-break nổi danh lịch sử ở séc 4:



Francesca Schiavone và Svetlana Kuznetsova, trận đấu vòng 4 năm 2011

Kuznetsova thắng 6 - 4, 1 - 6, 16 - 14

Kuznetsova đong đầy cảm xúc. Ảnh: Fox Sport


Trân đấu giữa Schiavone và Kuznetsova là một trận đấu giằng co đến... phát mệt. Sau séc đấu thứ 3 kết thúc với tỷ số 16 - 14 nghiêng về Kuznetsova thì trận đấu cũng đã dài tới 4 giờ 44 phút - trận đấu kéo dài thứ 2 trong lịch sử quần vợt chuyên nghiệp của nữ.

Trận đấu hấp dẫn bởi sự khó đoán định ai sẽ là người kết thúc những loạt bóng giằng co liên hồi. Kuznetsova có sức mạnh thể lực và đương nhiên rất dũng mãnh trong những loạt bóng theo phong cách “bóng bàn” của trận này. Schiavone có tốc độ và những đường bóng thông minh. Một khi hai người gặp nhau, sự khác biệt lại khiến những pha bóng qua lại mãi không dứt.

Chỉ tính riêng séc đấu thứ ba đã kéo dài 3 giờ đồng hồ đủ thấy sự “váng đầu, chóng mặt” của khán giả đến sân. Cuối cùng người có ít lỗi hơn đã trở thành người chiến thắng. Phải đến điểm trận thứ 6, Kuznetsova mới vượt qua được Schiavone khiến cô vỡ òa trong cảm xúc.

Sau trận đấu Schiavone vẫn còn nức nở: “Đây là trận đấu cảm xúc nhất trong đời cầm vợt của tôi.”

Marat Safin và Roger Federer, bán kết năm 2005

Safin thắng 5 - 7, 6 - 4, 5 - 7, 7 - 6, 9 - 7

Nỗi thất vọng của Federer. Ảnh: Fox Sport


Ở giai đoạn gần cuối của sự nghiệp, Safin thêm một lần tỏa sáng với quần vợt đỉnh cao. Anh vượt qua Roger Federer đang giai đoạn đỉnh cao phong độ và nhiều lần có cơ hội kết thúc trận đấu này. Đến với Australia mở rộng trong thời điểm giữ vững ngôi vị số 1 thế giới suốt 11 tháng, vô địch 2 giải Grand Slam trước đó và từ năm 2004 - 2007 chỉ để thua duy nhất 1 trận ở các giải đấu lớn, Federer gặp một bất ngờ mang tên Safin.

Séc đấu thứ 5 đáng lý ra là của Federer khi anh đang thắng 5 - 2 và có 6 lần điểm trận. Nếu thi đấu một trận đấu thông thường, anh đã thắng. Nhưng trong một trong những trận đấu đáng nhớ nhất của Australia mở rộng, anh đã thua.

Safin khi ấy là tay vợt số 4 thế giới. Tại vòng đấu mở màn, anh dễ dàng đánh bại một tay vợt không được xếp hạng hạt giống, tay vợt “lót đường” mới 17 tuổi có cái tên khá lạ lẫm Novak Djokovic.


Đến với trận bán kết, Federer không thua một séc nào trong cả 5 trận đấu trước tại giải đấu năm ấy.

Chiến thắng ở séc 4 bằng tie-break khi Federer đang dẫn trước mang lại lợi thế tinh thần đầy bất ngờ cho Safin. Anh thắng tiếp một lèo 5-3 ở séc đấu thứ 5.

Nhưng Federer gỡ lại 7 - 6 và đứng trước 2 cơ hội điểm trận nhưng không tận dụng thành công. Một cú ace vốn được xem là sở trường của Safin đã giúp anh vượt qua Federer trong trận banh nỉ nhiều xúc cảm.

Novak Djokovic và Rafael Nadal, chung kết năm 2012

Djokovic thắng 5-7, 6-4, 6-2, 6-7, 7-5.

Sau trận đấu đến kiệt sức, Djokovic có cách xé rách áo để ăn mừng chiến thắng và cũng là để giải tỏa sức ép suốt gần 6 giờ đồng hồ. Ảnh: Fox Sport


Novak Djokovic và Rafael Nadal luôn là một trong những cặp đôi hấp dẫn nhất của làng quần vợt thế giới. Sức mạnh, kỹ thuật, sự thông minh, kiên gan đều có cả, nhưng những trận cầu giữa họ còn hấp dẫn ở sức mạnh tinh thần mà cả 2 thể hiện tới nỗi khán giả cũng phải ồ lên theo mỗi đường bóng.

Chung kết Australia năm ấy, Djokovic và Nadal có lần thứ 3 liên tiếp gặp nhau tại chung kết một trận Grand Slam. Và trận đấu thứ 3 ấy kéo dài 5 séc trong 5 giờ, 53 phút; kết thúc lúc 1h 37 sáng ở Melbourne làm nên một trong những trận đấu hấp dẫn nhất trong lịch sử quần vợt.

Nadal vượt qua sức ép bằng những loạt tie-break ở séc đấu thứ 4. Bước vào séc đấu thứ 5, anh dẫn trước 4 - 2 thì để cho Djokovic vươn lên gỡ hòa 4 - 4.

Những đường bóng dai dẳng không ai nhường bước trước ai, những pha đánh trả quyết liệt đến tận khi trời đã là nửa đêm. Nadal thắng điểm số đẹp nhất trận sau 32 lần chạm vợt của cả 2 tay vợt. Nhưng Djokovic mới là người dẫn trước ở tỷ số 6-5. Là người giao bóng ở hiệp đấu cuối cùng, Djokovic dẫn trước 30-0 lại để cho Nadal thắng 3 điểm tiếp theo mang đến hy vọng cho anh thắng ở một hiệp giao bóng của Djokovic. Tuy nhiên, Djokovic đã thắng 3 điểm tiếp theo đó và xé tung áo ăn mừng một trận đấu quá căng thẳng với chiến thắng vẻ vang thuộc về mình.

Sau này Djokovic nói anh đã phải rất cố gắng mới không yêu cầu ban tổ chức cho họ 2 cái ghế lúc lên nhận giải bởi sợ cả hai sẽ ngã quỵ xuống sân.

Những diễn biến chính của trận đấu được xem là hay nhất của Australia mở rộng:




Minh Tuệ
Australia mở rộng: Bừng sáng niềm hy vọng nước chủ nhà
Australia mở rộng: Bừng sáng niềm hy vọng nước chủ nhà

Hiếm khi nào, nước chủ nhà mới có nhiều tay vợt thi đấu cả ở nội dung nam và nữ tại Australia mở rộng và đều được xếp hạt giống như lần này. Niềm hy vọng bừng sáng cho 1 năm các tài năng trẻ nước chủ nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN