Do đó, cần có cách tiếp cận tổng thể trong giải quyết sự thay đổi lòng dẫn sông nói chung và xói lở bờ sông nói riêng, để giúp người dân trong khu vực thích ứng với loại hình thiên tai này, hạn chế tối đa những công trình đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả đạt thấp.
Phương pháp phân tích tổng hợp (địa lý tổng hợp) được các nhà địa lý học trên thế giới và Việt Nam áp dụng, giúp cho việc nghiên cứu nhìn nhận một cách toàn diện vấn đề xói lở bờ sông. Bao gồm những yếu tố tự nhiên về địa chất, địa mạo, thủy văn, đến các hoạt động nhân sinh như xây dựng các công trình thủy điện, khai thác cát, sỏi, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Mặt khác, phải xem xét sự thay đổi phạm vi, quy mô xói lở theo thời gian để thấy tác nhân chính gây nên diễn biến lòng dẫn sông, xói lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây.
Xói lở sẽ dữ dội hơn
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý Tài nguyên TP Hồ Chí Minh về “Định hướng giải quyết vấn đề xói lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tiếp cận địa lý tổng hợp” đã nêu rõ: Trước những năm 2010, xói lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long xảy ra khá phổ biến. Tuy vậy, xu thế chung là ổn định, không gia tăng quá mức.
Cùng với quá trình xói lở, việc bồi lắng bờ sông cũng xảy ra khá nhiều nơi như lạch trái sông Hậu qua thành phố Long Xuyên, cửa Định An, cửa Ba Lai, đuôi các cù lao…
Nhưng sau năm 2010, tình hình xói lở bờ sông gia tăng cả về phạm vi lẫn cường độ. Hiện Đồng bằng sông Cửu Long có 380 điểm sạt lở với chiều dài 633 km. Trong đó có 18 khu vực có tốc độ xói lở lớn hơn 10 m/năm; 37 khu vực xói lở từ 5 - 10 m/năm và 325 khu vực có tốc độ xói lở dưới 5 m/năm.
Những tỉnh có số lượng các điểm sạt lở lớn nằm ở vùng thượng châu thổ như Đồng Tháp 42 điểm với 65,6 km đường bờ sông bị xói lở; An Giang 49 điểm với 71,5 km, đến những tỉnh ven biển tiêu biểu như Cà Mau 48 điểm với 109 km.
Các khu vực diễn biến lòng dẫn phức tạp cụ thể là đoạn sông Tiền chảy qua tỉnh Đồng Tháp; đoạn sông Hậu chảy qua thành phố Long Xuyên; bờ sông Vàm Nao huyện Chợ Mới (An Giang); cồn Tân Lộc (Cần Thơ); bờ sông Cổ Chiên huyện Càng Long (Trà Vinh); kênh xáng Mái Dầm huyện Châu Thành (Hậu Giang)…
Từ trước đến nay đã có nhiều nghiên cứu, phân tích, lý giải các nguyên nhân gây ra tình trạng xói lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là động lực dòng chảy lớn, địa chất lòng sông, kênh mềm yếu; biến đổi khí hậu làm thay dòng chảy; nhóm hoạt động phát triển như xây dựng hồ chứa, khai thác cát, sỏi, phát triển dân số và cơ sở hạ tầng, đê bao khép kín…
Nhưng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về sự diễn biến bất thường xói
lở bờ sông 25 năm qua tại khu vực này, các nhà khoa học Viện Địa lý Tài
nguyên TP Hồ Chí Minh khẳng định: Hai nguyên nhân cơ bản làm quá trình
xói lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mạnh mẽ, phức tạp là do
tải lượng phù sa mịn và lượng cát, sỏi bị mất đi.
Toàn bộ hệ
thống sông Mê Kông có khoảng 500 hố sâu và thay đổi theo mùa. Vào đầu
mùa lũ (tháng 7 - 8) thì cát di chuyển vào lấp khoảng 20 - 30% chiều
sâu của mỗi hố, đến tháng 9 - 10 trở đi dòng sông tự nạo vét lấy lượng
cát này ra khỏi hố và vận chuyển xuống hạ lưu.
Nếu trên thượng
nguồn sông, cát bị các thủy điện chặn lại hoặc do khai thác cát quá mức
sẽ gây mất cân bằng, các hố sâu có thể mở rộng, dịch chuyển và lấn sâu
vào chân bờ sông, tạo thành “hàm ếch” gây sạt lở phía trên.
Nếu
một bên bờ nào đó bờ sông bị lấn nhân tạo thì hố sâu sẽ dịch chuyển sang
bờ đối diện. Đây cũng chính là nguyên nhân gây xói lở nghiêm trọng ở xã
Mỹ Hội Đông, tỉnh An Giang vào ngày 22/4/2017.
Theo số liệu khảo
sát của Ủy ban sông Mê Kông quốc tế (MRC), tải lượng phù sa mịn của sông
Mê Kông năm 1992 từ 160 triệu tấn, đến năm 2014 còn 85 triệu tấn,
giảm khoảng 50%. Số liệu này chưa tính đến cát, sỏi di chuyển ở đáy
sông.
Dự báo khi 11 đập thủy điện trên sông này hoàn thành, tải
lượng phù sa mịn chỉ còn lại 42 triệu tấn cộng với 100% lượng cát, sỏi
di chuyển ở đáy sông bị các đập giữ lại. Khi đó xói lở bờ sông ở đồng
bằng sông Cửu Long sẽ dữ dội hơn nữa với hậu quả khó đo đếm được.
Các giải pháp còn manh mún
Trước tình trạng xói lở bờ sông tại đồng bằng sông Cửu Long không ngừng gia tăng, nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại đã được triển khai thực hiện, nhất là những giải pháp công trình.
Ước tính cho đến nay, các tỉnh, thành phố nơi đây đã đầu tư gần 8.000 tỷ đồng để xử lý trên 138km bờ sông bị xói lở. Trong đó có những công trình kiên cố như kè sông Tiền khu vực Sa Đéc, kè sông Hậu tỉnh Hậu Giang và một số công trình bán kiên cố, công trình dân gian kể cả trồng cây tạo bãi bồi.
Tuy những giải pháp nêu trên đã phát huy được một số kết quả, góp phần bảo vệ hạ tầng cơ sở. Nhưng nhìn chung các giải pháp còn manh mún, chưa theo quy hoạch chỉnh trị tổng thể và chưa có cơ quan có thẩm quyền thống nhất phê duyệt, các công trình kiên cố cũng không được duy tu bảo dưỡng định kỳ; đối với công trình bán kiến cố, thô sơ còn mang tính tự phát.
Những giải pháp phi công trình không được chú trọng, các số liệu đo đạc, theo dõi diễn biến lòng dẫn sông còn thiếu, chưa đủ cơ sở khoa học để ra quyết định lựa chọn giải pháp hữu hiệu.
Theo nhận xét của Tiến sĩ Lê Xuân Thuyên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Xói lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến nhiều yếu tố là thủy văn, địa chất, nhân sinh….
Vì vậy “Phải hiểu thật rõ mới ra được quyết định, bởi dòng sông cũng như một cơ thể sống, ta can thiệp ngày hôm nay tạm ổn, nhưng vài năm sau hay hàng chục năm sau mới thấy hết di chứng”.