Sức bật của vùng
Tại diễn đàn “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2016” tổ chức tại tỉnh Hậu Giang từ ngày 11 - 15/7/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và nhân dân vùng ĐBSCL đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Tây Nam Bộ trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước, phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Bianfishco, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Thời gian qua, các cấp, ngành, nhân dân địa phương vùng ĐBSCL đã thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó tập trung thực hiện một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 là “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tình hình kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL những năm qua tiếp tục phát triển. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức khá, tăng trưởng GDP bình quân ước đạt 8,87%/năm, nông nghiệp phát triển ổn định, cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL đã đặt ra là 7,7%/năm cho giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định 939/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg vào tháng 6/2013 với định hướng trọng tâm là gia tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao hiệu quả của toàn ngành nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung, các địa phương đã đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bước đầu đem lại kết quả tích cực. Trong vùng đã hình thành được một số vùng nguyên liệu lúa gạo, trái cây và thủy sản. Nhiều mô hình áp dụng phương thức, kỹ thuật canh tác tiên tiến như: Mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, GAP, nuôi tôm an toàn sinh học, lúa tôm, nuôi cá nước ngọt, mặn, lợ…
Những mô hình này đã phát triển nhanh ở Cà Mau, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng… qua đó phát huy được lợi thế của vùng, tạo được hướng đi mới cho nông nghiệp trên cơ sở chú trọng triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực. Trọng tâm là chế biến gắn với tiêu thụ lúa gạo, rau màu, thủy sản, trái cây… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Chủ động liên kết, hội nhập
Nhiều ý kiến đánh giá, lợi thế của vùng ĐBSCL không chỉ là những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản mà còn là vị trí địa lý chiến lược. Đó chính là lợi thế phát triển kinh tế biển, tuyến hành lang kinh tế trong tiểu vùng Mekong, có vị trí cận kề với thị trường rộng lớn như TP Hồ Chí Minh và các nước ASEAN… Những lợi thế này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cục diện mới, thời điểm mà Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng tham gia vào những hiệp định thương mại quốc tế. Nếu 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gắn kết được quá trình liên kết các chuỗi giá trị kinh tế thì sẽ tạo nên đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng của quốc gia trong những thập niên tới.
Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang nỗ lực phát huy hiệu quả lợi thế của vùng. Theo thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban chỉ đạo diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL và UBND TP Hồ Chí Minh, thỏa thuận liên kết song phương với 13 tỉnh, thành của ĐBSCL, những năm qua các tỉnh trong vùng đã mở rộng hợp tác liên kết toàn diện với TP Hồ Chí Minh, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư nông, ngư nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ để ổn định sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực cho vùng và cả nước.
Một số lĩnh vực hợp tác được đánh giá là có khả năng thúc đẩy lợi thế của vùng ĐBSCL là: Các đề tài nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho vật nuôi; so sánh giống cây trồng và mức độ đáp ứng của chúng với phân bón; chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô, cung ứng giống và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Phát triển vùng lúa thâm canh để tăng vụ, năng suất và chất lượng để giữ vững an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu; đầu tư xây dựng trại chăn nuôi gia cầm, thủy hải sản tập trung phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và thủy hải sản của người dân các tỉnh, thành trong vùng, trong nước và xuất khẩu.
Các địa phương cũng hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, thủy sản; xay xát, đánh bóng lúa gạo; chế biến thủy sản và thực phẩm đóng hộp; tinh luyện dầu cá; chế biến hoa quả; sản xuất bao bì; sản xuất các loại máy móc, sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản... Xây dựng các chợ đầu mối nông, ngư nghiệp, gia cầm và trái cây, các trung tâm thương mại (siêu thị) ở các tỉnh, thành, các vùng nguyên liệu để thực hiện thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông sản nội địa và xuất khẩu. Nhất là thực hiện “Kết nối cung cầu” theo chương trình chung giữa Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, ĐBSCL thu hút được 1.205 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD. Tuy con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn còn ít so với quy mô của một vùng kinh tế xuất siêu của nước ta với thế mạnh là lúa gạo, trái cây và thủy sản, nhưng đó cũng là kết quả đáng khích lệ vì thời gian qua các địa phương trong vùng đã luôn quan tâm cải thiện môi trường, cải cách thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng thu hút đầu tư.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015. Theo đó, vùng ĐBSCL trung bình đạt 59,16 điểm ở mức khá (cao hơn cùng kỳ 0,05 điểm). Trong đó, đa số các chỉ tiêu dùng để tính PCI đều tăng so cùng kỳ. Trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, có 7 địa phương xếp hạng ở mức khá, 3 tỉnh ở mức tốt (Long An, Kiên Giang và Bến Tre), Tiền Giang mức trung bình, Cà Mau đứng tương đối thấp. Riêng tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ mức rất tốt, dẫn đầu toàn vùng và thứ 2 cả nước, xếp sau thành phố Đà Nẵng.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL đạt 8,7 tỷ USD (tăng 3,2% so cùng kỳ), xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,9 tỷ USD (tăng 4,5% so cùng kỳ). Bên cạnh các thị trường truyền thống, các sản phẩm của vùng còn mở rộng được các thị trường tiềm năng khác. Đặc biệt, các sản phẩm trái cây đã được mở rộng xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế. |