Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt ở Tây Nguyên

Ngày 23/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt” với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện cho các sở, ngành, doanh nghiệp, nông dân của các tỉnh Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi với nhiều loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, mắc ca... cây ăn trái như vải, nhẵn, cam, quýt.

Tuy nhiên, hiện nay hàm lượng kỹ thuật được áp dụng vào lĩnh vực trồng trọt tại Tây Nguyên còn khá thấp, đem lại hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ như chọn giống cây trồng, thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị kinh tế.

Theo Thạc sĩ Đinh Thị Tiếu Oanh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm Nghiệp Tây Nguyên, cây cà phê chiếm vị trí kinh tế quan trọng ở vùng Tây Nguyên, đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng với sản lượng ước tính 1.623 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Năm 2012, Việt Nam vượt qua Brazil để vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới và vị thế này vẫn được duy trì cho đến nay.

Vấn đề chọn giống cây trồng có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu hướng đến ngành hàng cà phê đạt chất lượng cao, bền vững, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đặc biệt cần cần chọn các loại giống có khả năng thích nghi trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã nghiên cứu, chọn tạo thành công được nhiều giống cà phê vối mới nổi trội  như các giống cà phê vối: TR4, TR9, TR11, TRS1, TR14, TR15; các giống cà phê chè: TN1, TN2, TN6, TN7, TN9, THA1.

Các giống trên ngoài khả năng cho năng suất cao, thích nghi rộng thì giống còn được đánh giá và chọn lọc rất kỹ và nghiêm ngặt về khả năng kháng bệnh gỉ sắt, vì vậy hầu hết các giống được chọn đều kháng bệnh tốt.

Ngoài ra, hai giống cà phê vối chín muộn (TR14, TR15) còn có khả năng chống chịu được khô hạn trong thời gian ngắn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục mục tiêu nâng cao chất lượng giống cà phê, thích nghi tốt với điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo đại diện của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị kinh tế trong thời gian tới cần đẩy mạnh chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trồng trọt vào sản xuất.

Một số tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào triển khai các dự án bao gồm: giống cây trồng mới, quy trình kỹ thuật, thiết bị, thực hành nông nghiệp tốt, dinh dưỡng cho cây trồng… thông qua các hoạt động khuyến nông như xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền…, những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả đã được lan tỏa, nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước.

Giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì 30 dự án. Qua việc triển khai các chương trình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như tưới nhỏ giọt, canh tác hữu cơ, nông nghiệp thông minh, canh tác đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật… nhận thấy trình độ kỹ thuật của người sản xuất đã được nâng lên rõ rệt, dự án đã khai thác nhiều đối tượng cây trồng trên cơ sở phát huy tiềm năng, điều kiện từng vùng, miền để phát triển bền vững, theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Do đó, các địa phương, cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ, định hướng nông dân canh tác theo hướng thâm canh, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt chú trọng đến các cây trồng thế mạnh của khu vực Tây Nguyên nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hội thảo cũng phân tích và giới thiệu đến đại biểu các mô hình kinh tế trồng xen cây lâu năm; nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; các mô hình kinh tế đạt hiệu quả kinh tế cao như trồng chanh dây (Gia Lai), trồng dâu nuôi tằm (Lâm Đồng), Dưa lưới (Đắk Nông)… để đại biểu và nông dân tham khảo.

Tại hội thảo, nhiều nông dân cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng giống cây trồng trên thị trường, kỹ thuật trồng chăm sóc một số loại cây trồng như bơ, cà phê, hồ tiêu, mắc ca, cây ăn trái, phương pháp phòng trị bệnh cho các loại cây trồng, bất cập trong cơ chế chính sách… các đại biểu và nhà khoa học đã giải đáp thắc mắc của nhiều nông dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Kim Văn Tiêu yêu cầu các cơ quan nghiên cứu tiếp tục đầu tư nghiên cứu thêm nhiều đề tài mới và các tiến bộ kỹ thuật mới đạt hiệu quả kinh tế cao, có tính chất xã hội cũng như môi trường tốt để tổ chức nhân rộng, chuyển giao cho nông dân.

Đồng thời, ông Tiêu cũng đề nghị các cơ quan chuyển giao (doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm khuyến nông các tỉnh) tập trung nghiên cứu chuyển giao các mô hình đạt hiệu quả cao, bền vững theo hướng xanh – sạch – thông minh – nhân văn, hướng tới triển khai hiệu quả chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), phát triển ổn định và bền vững ngành trồng trọt của Việt Nam.

Tin, ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Luật Trồng trọt có hiệu lực giúp gắn sản xuất với công nghiệp chế biến nông sản
Luật Trồng trọt có hiệu lực giúp gắn sản xuất với công nghiệp chế biến nông sản

Hiện nay, các sản phẩm từ trồng trọt chiếm đến khoảng 50% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp; trong đó, rất nhiều ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: điều, cao su, gạo, sắn, rau quả, cà phê…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN