Sạt lở khoảng 70m đê bao sông Cổ Chiên, gây thiệt hại 4 tấn cá giống

Ngày 1/6, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ (Vĩnh Long) Hồ Thế Nhu cho biết, ngành nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền địa phương gia cố tạm thời và thống kê thiệt hại, để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất ven sông xảy ra tại khu vực xã An Bình, huyện Long Hồ.

Vụ sạt lở đất xảy ra vào khoảng 4 giờ 30 phút ngày 1/6, làm thiệt hại ao cá với diện tích 2.500 m2 của ông Trần Ngọc Trí, xã An Bình, huyện Long Hồ.

Theo ông Trần Ngọc Trí, tại điểm sạt lở, nước xoáy cuộn rất nguy hiểm nên không có cách nào để bảo vệ ao cá hay hạn chế thất thoát cá. Khoảng 4 tấn cá điêu hồng giống chuẩn bị xuất bán của gia đình đã bị trôi ra sông, không thể thu lại được. Chỉ tính riêng tiền cá, tổn thất đã khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra, hơn 40 lồng bè nuôi cá gần đó cũng bị ảnh hưởng, người dân phải nhanh chóng neo đậu, gia cố lại để tránh thiệt hại.

Tại khu vực này, sạt lở đã làm mất đoạn đê bao sông Cổ Chiên khoảng 70m, xâm thực vào bên trong gần 20m. Độ sâu hố xoáy đo được từ 12 - 15m. Hiện nay, qua thăm dò, gần khu vực xảy ra sạt lở có xuất hiện một hố xoáy khoảng 18m, có nguy cơ tiếp tục gây sạt lở. Trong khu vực vẫn còn một ao cá đến thời điểm thu hoạch và các lồng bè nuôi cá của người dân. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo hộ nuôi cá thu hoạch ngay, để tránh thiệt hại và các hộ nuôi lồng bè cũng gia cố lại dây neo lồng bè, đề phòng sạt lở có thể tiếp tục xảy ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Bình Lê Minh Hùng cho biết, chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ người dân di dời tài sản, dọn dẹp cây cối, gia cố khắc phục tạm tại khu vực sạt lở để hạn chế thiệt hại. Đối với các bè cá neo đậu ngoài sông, vận động người dân theo dõi diễn biến của sạt lở. Hướng tới, địa phương đề xuất ngành chuyên môn khảo sát, chỉ đạo kịp thời để xử lý lượng cá của các hộ xung quanh. Về lâu dài, do đã vào thời điểm thường xảy ra sạt lở nên địa phương cũng đã thông báo, khuyến cáo người dân nuôi cá lồng bè ở trên sông chủ động theo dõi tình hình con nước, gia cố các ao gần sông, neo đậu bè phù hợp… để ứng phó kịp thời.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ, do hiện tượng sạt lở dài, để lại hố xoáy lớn nên việc triển khai giải pháp công trình kiên cố là rất khó và đòi hỏi chi phí lớn. Do đó, giải pháp trước mắt là gia cố tạm, để sạt lở không gây ảnh hưởng thêm. Ngành chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi cá lồng bè di dời khỏi khu vực sạt lở cũng như gia cố lại dây neo, các hộ nuôi cá ao cần gia cố bờ bao chắc chắn để bảo vệ sản xuất, đề phòng tổn thất khi có sạt lở xảy ra.

Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng, Cần Thơ kiến nghị Trung ương hỗ trợ
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng, Cần Thơ kiến nghị Trung ương hỗ trợ

Theo UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, hiện trên địa bàn có 39 điểm có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài hơn 15 km và 269 căn nhà phải di dời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN