Phương tiện khai thác cát trái phép bị lực lượng chức năng bắt quả tang tại xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông. Ảnh tư liệu (minh họa): Tuấn Anh/TTXVN
Tuy nhiên, qua thanh tra, quá trình hoạt động của một số đơn vị vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: không thông báo về trình độ chuyên môn của Giám đốc điều hành mỏ; không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản ra ngoài ranh giới được phép khai thác; không thống kê số liệu qua trạm cân.
Một số đơn vị không lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ; không lập sổ sách, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế; khai thác khoáng sản vượt công suất; để bị mất mốc khai thác; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không đăng ký khai thác nước dưới đất… Một số địa phương vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác đất san lấp, cát, sỏi lòng sông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết, thời gian tới, tỉnh tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản đến tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản; phối hợp kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản từ khâu khai thác đến khâu vận chuyển, buôn bán khoáng sản, phải tổng hợp đầy đủ sản lượng khai thác thực tế, xuất hóa đơn chứng từ đầy đủ, buôn bán khoáng sản phải có nguồn gốc hợp pháp.
Bên cạnh đó, tỉnh phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội và của người dân về tình hình khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản; xóa bỏ các bến bãi tập kết khoáng sản trái phép trên địa bàn (đặc biệt là cát, sỏi).
Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo rà soát, kiểm tra đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực; xử lý dứt điểm và kiên quyết thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chậm triển khai, vi phạm tiến độ đầu tư; tăng cường chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản…
Thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2020 - 2024, tỉnh đã cấp, gia hạn, điều chỉnh 37 giấy phép khai thác khoáng sản. Ngoài ra, UBND tỉnh còn cho phép khai thác (khoáng sản đi kèm đất tầng phủ làm vật liệu san lấp) đối với 19 khu vực mỏ đá.
Các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương. Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật; chỉ đạo địa phương tăng cường kiểm tra giám sát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, qua đó đưa quản lý Nhà nước về khoáng sản đi vào nền nếp, góp phần hạn chế thất thoát tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường sinh thái; giữ gìn an ninh trật tự, không để xảy ra các điểm nóng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoàn thiện thủ tục pháp lý về cấp phép thăm dò, khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản cũng như các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng.