Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay các mô hình liên kết hoạt động giữa các doanh nghiệp, tổ chức việc phân phối giống, vật tư nông nghiệp, cung cấp kỹ thuật, kiểm soát quá trình sản xuất… đến hộ nông dân thực hiện các quy trình theo đúng hướng dẫn của doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Làm sao doanh nghiệp tổ chức thu mua các sản phẩm và phân phối dưới các thương hiệu khác nhau để nâng cao giá trị và đảm bảo quyền lợi của các bên mới là khâu then chốt.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Mạnh Linh – TTXVN |
Công ty đầu tư nước ngoài Dalat Hasfarm là công ty đầu tiên đầu tư về nông nghiệp tại Lâm Đồng đã đưa các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Người dân đã học hỏi và nâng cao khả năng sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, công ty liên kết với người dân theo mô hình cung cấp giống, kiểm soát các vấn đề kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua các sản phẩm. Các hộ nông dân phải bảo đảm các tiêu chí nghiêm ngặt của doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tại Lâm Đồng còn có 2 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công là Hợp tác xã Xuân Hương và Hợp tác xã Anh Đào. Tại mô hình hợp tác xã này, các thành viên chính là hộ nông dân trực tiếp tổ chức sản xuất và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp trong quá trình sản xuất. Các xã viên có quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủ động trong tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu thị trường.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng (trước hết là cà phê, hồ tiêu) trên cơ sở liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ sở, các hộ sản xuất kinh doanh từ cung ứng các yếu tố đầu vào đến sản xuất và chế biến sâu, tạo ra sản phẩm tiêu dùng cuối cùng có giá trị gia tăng và chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và mang đặc trưng riêng của vùng là rất cần thiết; chú trọng khâu bảo quản, chế biến. Xác định một số sản phẩm mũi nhọn để xây dựng đề án phát triển thương hiệu quốc gia Tây Nguyên cho một số sản phẩm chủ lực. Xây dựng và quảng bá thương hiệu Tây Nguyên cho các sản phẩm toàn vùng, xây dựng hệ thống quản trị thương hiệu sản phẩm Tây Nguyên.
Để làm được điều này, việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù liên kết sản xuất nông lâm nghiệp cho toàn vùng Tây Nguyên, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo chuỗi gắn với chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, mang lại cho nông dân Tây Nguyên lợi ích lớn và bền vững cần sớm được triển khai. Phải coi đây là giải pháp chiến lược. Thực hiện liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu…) bền vững, từ sản xuất đến thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm (theo tiêu chuẩn 4C, GAP…), vừa bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp. Đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, tránh việc tranh mua, tranh bán, hoặc ép giá.
Các địa phương trong vùng cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực vùng Tây Nguyên. Hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, tiến tới hình thành tổ chức chủ trì điều phối liên kết phát triển chuỗi giá trị cho từng loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su…) của vùng.
Thực hiện liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa các tỉnh trong vùng và giữa Tây Nguyên với các vùng có tiềm năng và lợi thế so sánh.
Thúc đẩy tập quán canh tác bền vững trong đó chú ý đến các vấn đề cải thiện cảnh quan nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn, định hướng công nghệ cao và liên kết chuỗi toàn cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Tăng cường liên kết nhằm đẩy nhanh hiện đại hóa chuỗi giá trị rừng trồng. Xây dựng chính sách đặc thù ưu đãi cho việc phát triển mô hình rừng tự quản, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và dịch vụ tài chính, thương mại, hậu cần hỗ trợ. Xây dựng các mô hình cảnh quan dựa trên nông lâm kết hợp, tạo ra cảnh quan đẹp tại vùng rừng và vùng nông nghiệp, phục vụ du lịch nông nghiệp sinh thái. Kết hợp phát triển lâm nghiệp với phát triển du lịch và nông nghiệp.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, trong thời gian tới cần sớm thành lập các tiểu ban điều phối liên kết như: Ban điều phối phát triển hạ tầng giao thông; Ban điều phối phát triển du lịch; Ban điều phối phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su, rừng…) do Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì với các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan, các tỉnh Tây Nguyên, giáp Tây Nguyên. Xây dựng các đề án liên kết nhằm huy động, tập trung nguồn lực phát triển đối với một số lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm.
Hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển liên kết vùng để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước thúc đẩy việc hình thành các liên kết đối với từng lĩnh vực, sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính và quản trị làm nòng cốt cho việc hình thành liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp. Thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp, thu hút cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Tây Nguyên để kết nối các doanh nghiệp chủ lực. Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp của người nông dân làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, tiêu dùng.
Thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực công và tư trong phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi giá trị nông nghiệp và du lịch. Điều phối hợp lý các nguồn lực, khắc phục tình trạng không gian kinh tế chia cắt bởi địa giới hành chính.