Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có những tác động tiêu cực, việc phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, tiếp tục có các giải pháp mang tính chiến lược để triển khai hiệu quả, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu là việc làm rất cần thiết.

Biến đổi khí hậu - thách thức lớn

Chú thích ảnh
Người dân Bến Tre dùng bao cát đắp đê, ngăn triều cường gây sạt lở. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Với tổng diện tích 3,94 triệu ha, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cả nước. Song bên cạnh những lợi thế và tiềm năng phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có biến đổi khí hậu. 

Đề cập đến biến đổi khí hậu và những tác động của biến đối khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã nhận định, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, tác động nhanh và mạnh so với dự báo, tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng. Nếu không có những giải pháp phù hợp, dự báo đến năm 2100, nước biển dâng sẽ gây ngập khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, như vậy sẽ ảnh hưởng sinh kế của 55% người dân trong khu vực và có những tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an ninh lương thực không những của đất nước mà cả thế giới.

Theo Giáo sư Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, vấn đề sạt lở và sự biến động ven sông và dải ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ diễn biến rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân chính có thể kể đến đó là sự thiếu hụt phù sa về đồng bằng. Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng trẻ, kết cấu đất và nền móng lỏng lẻo rất dễ gây xói lở, tạo ra các thủy lực và sạt lở.

Mới đây, tại Đại hội XIII của Đảng, tham luận về chủ đề phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển toàn vùng đang gặp những khó khăn, nút thắt và một trong những nút thắt đó chính là biến đổi khí hậu.

Dẫn chứng riêng tại tỉnh Bến Tre, ông Phan Văn Mãi cho biết: Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Đồng thời, với vị thế cù lao bao bọc bởi các con sông lớn và 65 km bờ biển, sông rạch chằng chịt, Bến Tre là một trong những địa phương dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biến dâng. Đợt hạn năm 2019 - 2020 xâm nhập sâu gần như bao phủ toàn tỉnh cùng với hạn hạn kéo dài, gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng không chỉ sản xuất nông nghiệp mà toàn bộ nền kinh tế của tỉnh và cả cuộc sống sinh hoạt của người dân do không đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước ngọt. 

Những giải pháp chiến lược

Chú thích ảnh
Bà con nông dân xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: TTXVN

Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, một trong những giải pháp chiến lược được coi trọng chính là xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mới đây, tại Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định: Quy hoạch được xây dựng dựa trên nguyên tắc bảo vệ người dân cải thiện sinh kế phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường. Theo đó, quy hoạch hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy thích ứng biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển.

Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi, để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, các giải pháp cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối nội vùng và liên vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được đề ra. Cụ thể như: Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nông nghiệp phát triển sẽ tận dụng được tài nguyên sẵn có, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc kiểm soát nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ.

Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là: tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng và xây dựng đô thị là động lực tăng trưởng...; tập trung phát triển các ngành kinh tế biển gắn với định hướng phát triển về hướng Đông, liên kết vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, trên cơ sở Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, việc xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào thực hiện sẽ tạo cơ chế chính sách để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng. Trong đó, cũng cần quan tâm phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho vùng, từ đó cấu trúc lại không gian hiện hữu để Đồng bằng sông Cửu Long thật sự là nơi đáng sống và thịnh vượng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng như: Hạ tầng thuỷ lợi - cấp nước, giao thông - logistics, năng lượng, hạ tầng số... Đặc biệt, cần có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nêu giải pháp cụ thể, đó là: Chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thuỷ sản khác cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng, nuôi thuỷ sản... góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác. Bên cạnh đó, cần triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, nhất là sự thay đổi giảm lưu lượng, dòng chảy sông Mê Kông và tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp. Ngoài ra, để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, không chỉ cần có các giải pháp công trình như đê, kè, đập, mà còn cần đến giải pháp phi công trình, do chính cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện, với sự điều chỉnh của quy hoạch sản xuất chung, thay đổi lịch thời vụ.

Chú thích ảnh
Đắp đập ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Đề cập một trong những thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, liên quan đến việc xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh đề xuất giải pháp cần tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ của thành phố với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp; có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao về nông nghiệp cho các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học và các đơn vị khoa học của thành phố; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở đầu tư theo Nghị quyết số 120/NQ -CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Có thể nói, cùng với nhiều chương trình hành động đã được triển khai quyết liệt trong thời gian qua, việc tiếp tục có những giải pháp mang tính chiến lược, đột phá cho Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta tin rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều nguồn lực, dự án được triển khai đồng bộ, góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thanh Trà - Minh Hưng (TTXVN)
Xây dựng tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu
Xây dựng tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu

Văn phòng Chính phủ có Công văn số 633/VPCP-NN về việc ban hành Bộ Tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu và đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN