Đến nay, đời sống của người dân vùng tái định canh, định cư còn nhiều khó khăn và còn một số vướng mắc trong công tác đền bù.
Tổ chức di dời các hộ dân để tích nước lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Trong giai đoạn từ 2005 - 2016, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có trên 7.200 hộ dân di cư tự do với hơn 21.700 khẩu. Để ổn định đời sống cho số hộ dân di cư tự do, tỉnh Kon Tum đã triển khai 4 dự án bố trí sắp xếp dân cư, ổn định cho trên 2.300 hộ với hơn 9.600 khẩu dân di cư tự do; trong đó chủ yếu là sắp xếp ổn định tại chỗ với 2.275 hộ và tái định cư tập trung cho 44 hộ; số còn lại gần 5.000 hộ thực tế đã ổn định đời sống và đang ở xen ghép với dân tại chỗ.
Tỉnh Kon Tum có 43 thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 511,3 MW do đều ở vùng sâu nên việc ảnh hưởng đến việc di dân tái định cư rất ít; có 3 công trình thủy điện lớn ảnh hưởng đến việc di dân tái định cư là thủy điện Plei Krông, Đăk Đrinh và Thượng Kon Tum, với gần 1.500 hộ - 7.137 khẩu ảnh hưởng phải tái định canh, định cư.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân di cư tự do sớm ổn định đời sống trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Kon Tum đang đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để địa phương triển khai xây dựng các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do đối với gần 5.000 hộ trên, đồng thời tiếp tục bố trí nguồn vốn để địa phương thực hiện 3 dự án chuyển tiếp trong giai đoạn trước còn thiếu vốn và 4 dự án cấp bách trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm sắp xếp cho 2.650 hộ dân khu vực biên giới và các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn.