Đây là tâm sự của bà Phạm Thủy, Giám đốc quỹ Global languages center - GLC, người trong nhiều năm qua đã bền bỉ quyên góp từng “viên gạch, quyển vở” cho các em nhỏ ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Nuôi con chữ ở Chế Tạo
Thầy giáo Phạm Tiến Quảng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Tạo, dành cả tuổi thanh xuân của mình để dạy chữ cho học sinh người Mông. Người con trai Hải Phòng này rời trường sư phạm là tình nguyện lên Mù Cang Chải từ năm 2003 và xác định gắn bó cả cuộc đời với rừng núi nơi đây.
Đảm nhiệm việc giảng dạy cho 487 học sinh người Mông (321 học sinh tiểu học và 166 học sinh trung học cơ sở) là đội ngũ 26 giáo viên, trong đó có 2 cô giáo, phần lớn là ở dưới xuôi lên.
Theo thầy Quảng, điều đáng mừng là ở một xã khó khăn như Chế Tạo mà học sinh đi học đúng độ tuổi đạt tới 95%, tỷ lệ nam, nữ gần như bằng nhau, chứng tỏ quan niệm “con gái không cần học chữ” đã không còn nặng nề trong cộng đồng người Mông ở đây.
Thầy Quảng cho biết: Lực học của trẻ em người Mông ở Chế Tạo đã có sự tiến bộ. Các em tiếp thu kiến thức khá nhanh, môn toán trội hơn văn vì tiếng Việt của các em còn hạn chế. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường là 12%.
Hủ tục tảo hôn tuy đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn tồn tại. Thi thoảng lại xảy ra trường hợp học sinh nữ của trường đi lấy chồng và học sinh nam đi “kéo vợ”. Con trai “kéo vợ” xong vẫn tiếp tục đến trường nhưng con gái lấy chồng thì bỏ học, vậy là nhà trường lại mất học sinh.
Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội xã Chế Tạo rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Tuy nhiên, gánh nặng đè lên vai những người thầy, người cô vẫn còn chồng chất. Phụ huynh đã biết động viên con em đến trường, nhưng sự quan tâm chỉ dừng ở đó, còn việc học của trẻ ra sao thì được “khoán trắng” cho giáo viên.
Những tháng học sinh được nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 là thời gian vất vả của giáo viên ở Chế Tạo. Tại các bản xa, mạng internet chưa được phủ sóng và chập chờn lúc được lúc mất ngay ở trung tâm xã, các em cũng không có điều kiện để trang bị máy tính, điện thoại thông minh nên học online là điều không khả thi. Các thầy, cô giáo phải lặn lội đến các bản để dạy kèm cho học sinh.
Sau thời gian giãn cách xã hội, nhà trường chưa “thu hồi”đủ học sinh do một số em theo bố mẹ đi làm rẫy xa hay đi làm thuê ở địa phương khác. Việc xuống bản vận động trẻ đến trường lại được lặp lại giống như vào đầu năm học.
Khác với trẻ em ở dưới xuôi, học sinh ở vùng cao không những được miễn học phí mà còn được Nhà nước trợ cấp. Mỗi học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Tạo mỗi tháng được hưởng khoản trợ cấp bằng 40% mức lương cơ bản và 15 kg gạo.
Nói về nỗi nhọc nhằn của việc “nuôi con chữ ở vùng cao”, thầy Quảng tâm sự: “Nếu không đủ nghị lực và tình yêu nghề thì chuyện bỏ việc về xuôi rất dễ xảy ra với các giáo viên, nhất là các cô giáo mới ra trường. Sự vất vả của chúng tôi ở đây còn lớn hơn rất nhiều so với những gì mà các cô giáo cắm bản phải trải qua trong bộ phim “Mùa Xuân ở lại” (tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng được phát sóng trên kênh VTV1 dịp Tết Nguyên đán 2020). Ít ra điểm trường tại đó còn gần đồn biên phòng và cô giáo Hòa còn có mối tình thơ mộng với Nghĩa, anh lính biên phòng đẹp trai, hào sảng”.
Thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. Ở Chế Tạo, cũng như tại các khu vực vùng cao hẻo lánh, vật giá cao gấp đôi, gấp ba so với miền xuôi vì hầu hết các mặt hàng đều chở từ đồng bằng lên và phải cộng chi phí vận chuyển rất lớn. Các thầy, cô giáo ngoài việc tự túc tăng gia thì mỗi tuần một lần phải nhờ người mua thực phẩm từ thị trấn gửi lên. Chế Tạo chưa có chợ, cả xã chỉ có một hàng tạp hóa duy nhất và hết sức nghèo nàn ở gần trụ sở chính quyền.
Hỗ trợ nhà trường một cách căn cơ, bền vững
Có người nói rằng, lên vùng cao heo hút chỉ có đá với cây, thấy nổi lên những dãy nhà khang trang mà nếu đó không phải là bệnh viện thì đích thị là trường học.
Điều này hoàn toàn đúng với Chế Tạo. Điểm nhấn của xã giờ không phải là “chế tẩu” (lán ở nương đậu) mà là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Tạo. Hai khối nhà này đứng uy nghi trên sườn núi, chiếm những mảnh đất bằng phẳng hiếm hoi.
Sự đầu tư của Nhà nước cũng như địa phương cho việc “nuôi con chữ” ở Chế Tạo là rất lớn. Tuy nhiên, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, lương cho giáo viên và trợ cấp cho học sinh thì tiến trình “đưa giáo dục vùng cao tiến lên kịp với vùng thấp” còn cần rất nhiều thứ nữa mà ngân sách chưa thể đáp ứng được.
Từ đây đặt ra vấn đề xã hội hóa và câu chuyện xã hội hóa nên như thế nào, bắt đầu từ đâu, hướng tới cái gì. Bà Phạm Thủy, Giám đốc quỹ Global Languages Center - GLC, tâm sự: “Một lần lên Chế Tạo bằng xe ôm và ngủ lại xã với cái bụng đói trong thời tiết lạnh giá thì chúng tôi mới ngấm hết nỗi vất vả của học sinh vùng cao.”
“Chúng tôi” ở đây là bà Phạm Thủy, một Việt kiều và một công dân Australia. Sáng hôm sau, tình cảm của ba người đối với trẻ em Chế Tạo được biến thành hành động cụ thể - góp tiền mua 300 chiếc áo ấm, hàng trăm chiếc ủng, sách vở, mì tôm, bánh kẹo… Kể từ đó, đều đặn mỗi năm hai lần Quỹ GLC đưa hàng viện trợ lên cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Tạo. Cứ thế ròng rã mấy năm liền, đến một lúc, bà Thủy chợt nghĩ, nên chăng làm một điều gì đó để giúp học sinh người Mông theo cách bền vững hơn.
Tháng 4/2018, Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (TANIMEX) ở Thành phố Hồ Chí Minh qua cầu nối của Quỹ học bổng Vừ A Dính do nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm Chủ tịch, đã hỗ trợ xã Chế Tạo xây một khu nhà bán trú khang trang kèm nhà vệ sinh hiện đại dành cho học sinh trung học cơ sở. Niềm hân hoan của thầy và trò chưa kịp lắng xuống thì nảy sinh vấn đề về môi trường xung khu bán trú.
Nắm bắt được thông tin này, bà Phạm Thủy đã đứng ra làm cầu nối để ông Marcus Bessel, một công dân Đức đang làm việc tại Việt Nam, và ông Jörg Neddermann, bạn của ông Marcus, Giám đốc điều hành một Công ty ở CHLB Đức, tài trợ vốn và tìm kiếm công nghệ tiên tiến để thực hiện dự án làm sạch chất thải cho khu bán trú ở trường học xã Chế Tạo. Công trình đã nhanh chóng hoàn thành, được đưa vào sử dụng đầu năm 2020 và đang phát huy hiệu quả.
Chưa dừng lại ở đó, Quỹ GLC cùng với hai ông Marcus Bessel và Jörg Neddermann đang lên kế hoạch thực hiện dự án lắp đường ống và xây bể chứa nước đủ dùng cho 500 học sinh và giáo viên trong hai tháng mùa khô. Hiện tại, nguồn nước của nhà trường phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Những cơn mưa rừng ào ạt làm lở đất lở đá rồi chảy tuột suống suối, dồn vào sông để về xuôi, để lại cơn khát cho núi rừng suốt mùa khô.
GLC cùng các nhà tài trợ đã tính đến việc cùng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khảo sát dự án xây đường bê tông nối xã Chế Tạo với huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu để phát triển du lịch, giúp bà con người Mông xóa nghèo bền vững.
Khi đoàn từ thiện của GLC rời Chế Tạo thì khu nhà bán trú thứ hai do Quỹ LOAN (một tổ chức từ thiện tại CHLB Đức) tài trợ kết hợp với chính quyền địa phương và Quỹ học bổng Vừ A Dính, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khu bán trú dành cho học sinh tiểu học này gồm 5 phòng, rộng 170 m2 với tổng chi phí khoảng 13.000 USD.
Đi cùng xe với đoàn về Hà Nội để bay vào Thành phố Hồ Chí Minh là em Giàng A Xoài, người con của núi rừng Mù Cang Chải. Bố mẹ em tử nạn trong trận lũ lịch sử tháng 10/2017 và em được Quỹ học bổng Vừ A Dính hỗ trợ để theo học nội trú tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hồng Hà ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Xoài đang học lớp 7. Em ấp ủ hoài bão sẽ học thành tài để mai sau trở về xây dựng quê hương Chế Tạo.