Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Yên Bái là tỉnh miền núi với 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 56% dân số toàn tỉnh.

Những năm qua, ngành giáo dục Yên Bái đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học. Qua đó, tỷ lệ học sinh mầm non ra lớp theo đúng độ tuổi đạt gần 100%, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Chú thích ảnh
Mỗi lớp 1, 2 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học nậm Lành, huyện Văn Chấn có thêm một trợ giảng hỗ trợ giáo viên và học sinh. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN

Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có 26 giáo viên phụ trách 322 trẻ (trong đó có 320 trẻ là người Mông), hầu hết các trẻ đều chưa nói sõi tiếng Việt. Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Suối Giàng cho biết, để học sinh có thể nói được tiếng Việt ngay từ nhỏ, nhà trường thường xuyên lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức hội thi, ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm ngọng cho trẻ...

Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên viết bằng chữ in thường lên các khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm; khuyến khích trẻ giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt. Trong quá trình dạy - học và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo viên rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt, sửa lỗi phát âm, dùng từ, đặt câu cho trẻ. Nhờ vậy, hàng năm, nhà trường đều huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Trẻ đã nhận biết, phát âm tương đối đúng theo bộ chữ cái tiếng Việt, có kỹ năng cơ bản khi vào lớp 1.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn có 441 học sinh, trong đó 438 học sinh dân tộc thiểu số. Vì vậy, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường tiếng Việt cho các em, tạo thuận lợi cho việc giảng dạy, tiếp thu của giáo viên, học sinh.

Đặc biệt, từ khi dự án nâng cao khả năng tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (thuộc tổ chức KOICA, Hàn Quốc) được triển khai tại trường, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh thuận lợi hơn. Theo dự án, đối với lớp 1, 2, mỗi lớp sẽ có thêm một trợ giảng, trợ giảng là người tại địa phương và được hỗ trợ gần hai triệu đồng/tháng. Mỗi trợ giảng có vai trò là cầu nối, người truyền tải thông tin giữa giáo viên và học sinh.

Trợ giảng Lò Thị Oanh chia sẻ, khi được đứng trên lớp cùng giáo viên và học sinh, cô thấy giữa học sinh - giáo viên có khoảng cách lớn bởi không cùng tiếng nói chung. Giáo viên khó khăn trong việc truyền tải tri thức cho các em, còn học sinh muốn học nhưng không hiểu thầy cô đang nói gì. Từ khi cô làm trợ giảng, việc học tập của học sinh cũng thuận lợi hơn.

Cô giáo Trần Thị Thu Hằng cho biết, trước đây, khi chưa có trợ giảng, mỗi tiết học sẽ kéo dài hơn bởi nhiều câu hỏi các em giáo viên không hiểu. Nhờ có trợ giảng mà hoạt động dạy và học mang lại hiệu quả cao, các em đã tự tin hơn trong giao tiếp.

Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn Trịnh Văn Toán cho biết, do các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khó khăn lớn nhất của học sinh khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập. Từ khi tỉnh triển khai đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và dự án nâng cao khả năng tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại trường với nhiều hỗ trợ và hoạt động thực tế đã giúp các em tự tin giao tiếp.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để các em có thể nói thành thạo tiếng Việt ngay từ nhỏ, phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng mô hình thư viện tại trường; tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi giao lưu tiếng Việt giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Đến nay, 100% trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tăng cường tiếng Việt; hơn 90% trẻ trên 5 tuổi có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt.

Bên cạnh đó, Phòng luôn cụ thể hóa đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ năm học của các cấp học, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. 

Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn chỉ đạo các trường học tiếp tục duy trì mô hình thư viện tại trường, ngày hội đọc sách và hội thi giao lưu tiếng Việt; khuyến khích các thầy cô giáo đề xuất ý tưởng, cách làm mới về tăng cường tiếng Việt cho học sinh; tăng cường thời gian luyện nói cho học sinh trong các giờ học chính khóa, sinh hoạt đội, sao nhi đồng. Các trường lồng ghép hoạt động vui chơi gắn với học tiếng Việt cho học sinh để các em thành thạo tiếng Việt, tự tin tham gia hoạt động chung của trường…

Đinh Thùy (TTXVN)
Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số
Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Sau 2 năm triển khai, Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025” đã góp phần trang bị cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có đủ kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục phổ thông một cách tốt nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN