Nguy cơ cháy lan từ các vườn hồ tiêu bị chết, bỏ hoang ở Gia Lai

Gia Lai đang bước vào thời điểm nắng nóng, hanh khô nhất trong năm, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, cháy rừng… luôn tiềm ẩn ở mức cao. Đặc biệt, hàng ngàn hecta tiêu bị chết, bỏ hoang không được phát dọn thảm thực vật khiến nguy cơ cháy lan luôn thường trực.

Chú thích ảnh
Diện tích hồ tiêu bị cháy tại trang trại hồ tiêu của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Trường Thịnh, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát

Tại huyện Chư Pưh - nơi từng là "thủ phủ" của cây hồ tiêu, những năm gần đây, diện tích trồng tiêu giảm mạnh. Căn bệnh “chết nhanh - chết chậm” xuất hiện trên cây hồ tiêu vẫn chưa tìm ra được thuốc đặc trị khiến người dân quay lưng với cây “vàng đen” một thời. Xã Ia Le, huyện Chư Pưh là nơi được mệnh danh là “nghĩa địa của cây tiêu”. Trước đây, khu vực này là "thủ phủ" của cây hồ tiêu, nuôi dưỡng bao ước mơ đổi đời.

Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm vườn tiêu bị xóa sổ. Căn bệnh "chết nhanh - chết chậm" cùng giá tiêu đảo chiều đột ngột khiến người trồng tiêu vỡ mộng. Người dân không còn mặn mà với việc phục hồi vườn tiêu. Hình ảnh những vườn tiêu xanh tốt, ôm trụ vươn cao giờ chỉ còn trong hoài niệm. Bây giờ, những vườn tiêu chết khô, trụ bê tông xen trụ gỗ đứng trơ trọi, vàng vọt. Nhiều vườn tiêu bị thảm thực vật bao trùm, chết khô.

Theo ông Hoàng Văn Tài - hộ trồng tiêu tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, khu vực này hiện đang rất hanh khô kèm gió to. Nhiều vườn tiêu bị chết, bỏ không, thảm thực bì phủ kín vườn. Thời điểm này, thảm thực bì chết lụi, khô khốc. Vì thế chỉ cần một tác nhân gây ra lửa sẽ xảy ra cháy. Gặp thời tiết gió to, nguy cơ cháy lan rất cao.

Dự án trồng tiêu lớn nhất huyện Chư Pưh của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh rơi vào cảnh điêu tàn. Hàng chục block trồng tiêu chết rụi, thảm thực bì khô khốc dày chừng 20cm bao trùm vườn tiêu. Giữa bạt ngàn trụ tiêu bằng bê tông, những dây tiêu đã chết khô bám trơ trọi. Việc bỏ không các diện tích tiêu đã chết khiến khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy lan rất cao.

Ông Phạm Văn Đạo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh cho biết: Vào thời gian này trong năm, thời tiết thường hanh khô, gió to, dự báo trước về nguy cơ cháy, lực lượng chức năng cũng như người dân đã chủ động triển khai biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, rẫy.

“Đối với các vườn tiêu, người dân cần chủ động dọn dẹp thực bì. Đặc biệt, cần phát quang đường ranh cản lửa ngăn cách giữa các vườn tiêu bị chết, bỏ không để phòng tránh cháy lan khi xảy ra hỏa hoạn” - ông Phạm Văn Đạo khuyến cáo.

Theo thông tin từ hệ thống cảnh báo cháy rừng, thời tiết tại Gia Lai đang trong thời kỳ cao điểm mùa khô. Tính đến ngày 6/3, có 13/17 huyện, thị xã, thành phố đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Thời gian qua, địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng tại huyện Phú Thiện và Chư Pưh.

Chú thích ảnh
Thực trạng một vườn tiêu của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Trường Thịnh bị chết, không còn được chăm sóc khiến thảm thực bì đã chết khô bao phủ toàn bộ vườn tiêu. Ảnh: TTXVN phát

Để chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy mùa khô 2022 - 2023. Các phòng chuyên môn của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy; vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy, quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy, không để xảy ra cháy lan vào rừng.

Các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, tổ chức tuần tra tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng; yêu cầu các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thông báo thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị chủ rừng ở gần biết để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong xử lý đốt thực bì. Cùng với đó, Các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân khi đốt nương rẫy, thực bì để chuẩn bị canh tác xung quanh rừng, gần rừng không để lửa cháy lan vào rừng, thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra vào các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2023, trang trại hồ tiêu của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh đã xảy ra cháy hơn 8,5 hecta hồ tiêu đang kinh doanh (tương ứng với tổng số trụ hồ tiêu bị thiệt hại là 14.006 trụ). Trong số 8,54 hecta hồ tiêu bị cháy có 3,11 hecta bị cháy 100%, tương ứng với 5.114 trụ bị thiệt hại; 5,43 hecta bị cháy từ 30 - 60%. Chỉ tính riêng công đầu tư, chăm sóc từ năm 2018 đến nay, con số thiệt hại là hàng tỉ đồng.

Quang Thái (TTXVN)
Nông dân ở thủ phủ hồ tiêu Bình Phước thiệt hại kép
Nông dân ở thủ phủ hồ tiêu Bình Phước thiệt hại kép

Niên vụ thu hoạch hồ tiêu tại Bình Phước bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 giảm cả về giá và sản lượng. Trong khi đó, nguồn nhân công lao động tại địa phương lại không khan hiếm như những năm trước khiến nhiều nhà vườn kém vui.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN