Ngày Biên phòng toàn dân: Nghĩa tình của người lính mang 'quân hàm xanh'

Dành những tình cảm đặc biệt cho người dân và vùng đất biên cương, từ năm 2021, Thiếu tá Từ Văn Sương, nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H’leo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) đã có cách làm sáng tạo hỗ trợ những hộ nghèo ở xã biên giới Ia Lốp (huyện Ea Súp) phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi bò sinh sản.

Đến nay, mô hình không chỉ tạo sinh kế mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất cho người dân vùng biên. 

Chú thích ảnh
Thiếu tá Từ Văn Sương cùng gia đình ông Nguyễn Văn Triều chăm sóc đàn bò. 

Sau nhiều năm công tác ở các vị trí khác nhau, năm 2020, người lính Từ Văn Sương nhận nhiệm vụ tại Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H’leo. Đây là vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt; đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn. Từ đặc thù công việc, thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của người dân biên giới, Thiếu tá Từ Văn Sương luôn trăn trở tìm cách giải bài toán sinh kế giúp bà con. Anh đã động viên, thuyết phục vợ dồn toàn bộ vốn liếng của gia đình hỗ trợ hai hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Dự (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản.

Năm 2021, Thiếu tá Từ Văn Sương đã góp vốn hơn 200 triệu để mua 15 con bò hỗ trợ hộ ông Nguyễn Văn Triều thực hiện mô hình. Đến nay, đàn bò đã tăng lên 23 con; trong đó, 8 con đang sinh sản, bước đầu đem lại thành công và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên vùng đất khô cằn nơi biên cương.

Ông Nguyễn Văn Triều (64 tuổi) cho biết, gia đình ông từ Bến Tre lên vùng biên Ea Súp lập nghiệp theo dự án Di dân phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng từ năm 2004. Vùng đất này khí hậu, thổ nhưỡng quá khắc nghiệt khiến các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp nên gần 20 năm, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình ông. May mắn, năm 2021, Thiếu tá Từ Văn Sương đã đầu tư hàng trăm triệu đồng giúp ông chuyển sang chăn nuôi bò, đem lại hy vọng thoát nghèo cho gia đình ông.

Theo ông Nguyễn Văn Triều, lúc đầu nhận hỗ trợ, ông rất lo lắng. Tuy nhiên được sự động viên tận tình, giúp đỡ hết mình của Thiếu tá Từ Văn Sương cùng quyết tâm thay đổi cuộc đời ở vùng biên, hai vợ chồng ông đã tập trung vào chăn nuôi đàn bò. Vợ chồng ông vừa làm, vừa học hỏi cộng thêm sự giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc của Thiếu tá Sương, đến nay, đàn bò phát triển, sinh sản ổn định.

Không kể ngày nắng “đổ lửa” hay ngày mưa tầm tã của vùng biên Ea Súp, Thiếu tá Từ Văn Sương vẫn thường xuyên ghé thăm mô hình bò sinh sản của ông Nguyễn Văn Triều. Đây cũng là tâm huyết và kỳ vọng lớn lao của người lính “quân hàm xanh” rằng mô hình sẽ giúp nhân dân vùng biên vượt qua những khó khăn, thách thức để trinh phục vùng đất cằn.

Chú thích ảnh
Đàn bò của gia đình ông Nguyễn Văn Triều sinh trưởng và phát triển ổn định. 

Không dấu được xúc động, bà Huỳnh Thị Mai Tiến (62 tuổi) tâm sự, trong lúc kinh tế khó khăn, Thiếu tá Từ Văn Sương đã kịp thời động viên, hỗ trợ gia đình bà triển khai mô hình nuôi bò sinh sản. Đến nay, cuộc sống gia đình dần ổn định. Đàn bò phát triển tốt, đem lại kỳ vọng lớn cho gia đình. Đến giờ, hai vợ chồng già không thể quên niềm vui khi con bê đầu tiên được sinh ra vì bao nhiêu công sức nay đã bắt đầu nhận được thành quả. Theo bà Tiến, không chỉ giúp đỡ gia đình bà về sinh kế, Bộ đội Biên phòng còn hỗ trợ người dân làm kinh tế, chăm sóc sức khỏe, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh… Ở đâu có Bộ đội Biên phòng, ở đó người dân yên tâm sinh sống.

Thiếu tá Từ Văn Sương chia sẻ, ý tưởng hỗ trợ hộ dân chăn nuôi thực hiện mô hình bò sinh sản của anh ban đầu đã bị gia đình phản đối vì không khả thi. Tuy nhiên, sau thời gian động viên, thuyết phục, gia đình đã đồng tình, giúp đỡ anh. Anh Sương từng có thời gian học và tìm hiểu về thú ý nên tự tin hỗ trợ bà con về kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi. Đến nay, mô hình nuôi bò sinh sản bắt đầu đi vào ổn định.

Ngoài gia đình ông Nguyễn Văn Triều, Thiếu tá Từ Văn Sương đang hỗ trợ mô hình tương tự cho một hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thôn Dự, xã Ia Lốp. Thời gian tới, khi các mô hình đã được hỗ trợ cho thu hồi vốn, Thiếu tá Từ Văn Sương dự tính sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ở những hộ gia đình khó khăn, góp phần giúp người dân tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế và ổn định đời sống ở vùng biên.

Thiếu tá Từ Văn Sương chia sẻ, với anh, niềm vui của bà con chính là niềm vui của bản thân. Đời sống nhân dân vùng biên được ổn định, bà con sẽ là hậu phương vững chắc của Bộ đội Biên phòng, cùng nhau xây dựng khu vực biên giới, góp phần giữ vững an ninh biên giới và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) Bà Lang Thị Nguyên cho biết, xã được thành lập năm 2006 với 15 dân tộc sinh sống. Đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Ea Hleo, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội đã phần nào giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế, yên tâm bám trụ xây dựng vùng biên. Tiêu biểu là mô hình bò giống sinh sản của Thiếu tá Từ Văn Sương đã giúp một số hộ có kế sinh nhai mới và dần ổn định đời sống. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng để nhân rộng các mô hình hiệu quả nhằm giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, cùng nhau xây dựng khu vực biên giới phát triển...

Tin, ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Bộ đội biên phòng sát cánh cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới
Bộ đội biên phòng sát cánh cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới

Cùng với việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng còn tiên phong tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hoạt động thiết thực, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân vùng cao, biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN