Kỹ sư Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam
Cần thay đổi chính sách lẫn thói quen
Từ trước tới nay phát triển chăn nuôi còn nhiều khó khăn, bất cập trong tổ chức sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ, vệ sinh an toàn thực phẩm... Nay phát triển chăn nuôi trong điều kiện chấp nhận cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài ngay trên sân nhà là điều không dễ dàng, cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Câu chuyện này rất khó nhưng không phải chúng ta bó tay, đầu hàng, thua ngay trên sân nhà, chúng ta phải quyết tâm làm được.
Ngành chăn nuôi cần tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và có nhiều giải pháp tổng thể để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. |
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trước hết là ngành chăn nuôi thú y cần tích cực cải cách hành chính, đổi mới phương pháp quản lý, không phiền hà cho doanh nghiệp, kiên quyết chống sách nhiễu, tiêu cực, gây khó cho doanh nghiệp, trang trại, không vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Các doanh nghiệp tăng cường quản lý xí nghiệp, mạnh dạn đầu tư tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật, kịp thời nắm bắt thông tin thị trường, tìm mọi biện pháp giảm giá thành sản phẩm. Người chăn nuôi cũng phải thực hiện tốt Pháp lệnh Thú y, thay đổi nhận thức, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức tối đa các dịch bệnh xảy ra.
TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam:
Cần giảm sự phụ thuộc nguyên liệu thức ăn gia súc
Theo Cục Chăn nuôi, hầu hết các giống bò, lợn, gia cầm cao sản nước ta đều phải nhập từ Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Hà Lan, Anh, Đan Mạch... Hàng năm chúng ta nhập hơn 12 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. Thời gian gần đây, nước ta phải nhập tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như: khô dầu đậu tương, bột thịt - xương, bột cá; riêng khoáng vi lượng, vitamin nhập 100%. Ngoài ra, 80% các loại vắcxin được phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia trên thế giới.
Phụ thuộc tới gần 50% nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu sản xuất trong nước giá thành cũng khá cao nên theo ý kiến nhiều chuyên gia, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cao hơn khoảng 10% so với nhiều nước trong khu vực. Đây chính là một bất lợi của ngành chăn nuôi trong cạnh tranh.
Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới nên vẫn có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao. Nếu nâng cao được năng suất vật nuôi, tổ chức khép kín sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, chú trọng đầu tư giai đoạn giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm, khống chế tốt dịch bệnh thì giá thành chăn nuôi giảm và tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi, tạo lợi thế cho cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Nguyễn Phượng Vỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học, Phát triển nông thôn Việt Nam:
Kinh nghiệm thế giới
Chúng ta có thể vận dụng kinh nghiệm thế giới trong việc phát triển nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ chăn nuôi với một số mô hình sau đây để tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật cho ngành chăn nuôi.
Mô hình chuyển giao công nghệ tuyến tính: Mô hình này coi việc nghiên cứu phát minh và phổ biến các công nghệ mới là một quá trình tuyến tính từ các viện nghiên cứu đến các trạm trại khảo nghiệm, rồi qua các tổ chức khuyến nông chuyển giao cho nông dân. Nhược điểm cơ bản nhất của mô hình là coi cái hiện đại, cái mới nhất là cái tốt nhất, xem thường tính đặc thù về sinh thái của từng địa phương; coi nông dân là người thụ động tiếp thu công nghệ.
Mô hình chuyển giao công nghệ thích ứng: Đặc điểm cơ bản của mô hình này là đã chú trọng tính thích ứng kỹ thuật, tính địa phương của công nghệ nông nghiệp. Tuy nhiên về cơ bản vẫn là mô hình tuyến tính, chưa thể hiện được các yêu cầu cụ thể của nông dân, chưa phản ánh được kinh nghiệm và khả năng của họ. Mô hình đã thất bại với nông dân nghèo hay với những vùng sinh thái bất lợi, không có điều kiện cung ứng vật tư kỹ thuật cần thiết.
Mô hình nghiên cứu bắt đầu từ nghành chăn nuôi: Quá trình nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nông nghiệp là một quá trình khép kín, bắt đầu nông dân qua các nhà khoa học và viện nghiên cứu rồi quay trở lại nông dân (Nông dân - Viện Nghiên cứu, Nhà khoa học - Nông dân). Vòng khép kín này vận dụng liên tục mà điểm chọn xuất phát phải được bắt đầu từ những thông tin của nông dân, từ thực nghiệm về chăn nuôi của nông dân và có sự tham gia giám sát của họ. Mô hình nghiên cứu bắt đầu từ người chăn nuôi có điểm khởi đầu cơ bản hơn và trở thành quan điểm chính thống trong nghiên cứu áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ở nhiều nước.
Mô hình cải tiến đa nguồn: Mô hình cải tiến đa nguồn bổ sung cho mô hình nghiên cứu bắt đầu từ người chăn nuôi ở chỗ nó nhấn mạnh tính phi tuyến của quá trình. Cụ thể là các kỹ thuật mới của chăn nuôi được đưa ra từ nhiều nguồn khác nhau về không gian và thời gian; các tiến bộ là đa dạng về vật liệu gen hay các phương pháp chăn nuôi.
Tuy nhấn mạnh tính “đa nguồn”, tính phi tuyến của quá trình nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, nhưng mô hình này cũng coi trọng hơn việc chuyển giao cho nhau những vật liệu gen và các ý tưởng mới, chứ không chỉ khép kín lại để nghiên cứu và thử nghiệm.