Bảo tồn và phát triển cây dược liệu vùng Tây Nguyên

Ngăn chặn nạn khai thác cạn kiệt

Đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu đa dạng tạo nên cho Tây Nguyên một hệ thực vật rừng rất phong phú, trong đó có nguồn tài nguyên cây thuốc. Tuy nhiên, nạn khai thác dược liệu theo kiểu “vét sạch” đang đòi hỏi chính quyền sở tại phải có các biện pháp cấp bách để bảo tồn.

Nguy cơ cạn kiệt

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, thời gian qua các thương lái thường xuyên tổ chức thu mua củ của cây cu li (hay còn gọi cây cẩu tích, cây xương sống chó) trên địa bàn huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Đây là loại dược liệu dùng để trị đau lưng, gân xương nhức mỏi. Sau khi thu mua, các thương lái tập kết thành từng đống dọc trên đường N5 nối từ đường Hồ Chí Minh lên cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, đoạn qua thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Tại đây, thương lái thuê người dân cắt mỏng, phơi khô, cho vào máy để thổi hết lông trước khi đóng bao xuất bán (củ cu li có nhiều lông màu vàng phủ kín).

Thời gian qua, các thương lái thường ồ ạt thu mua cây cu li (còn gọi cây cẩu tích, cây xương sống chó) trên địa bàn huyện Đăk Glei (Kon Tum) với giá mua từ 2.000-2.500 đồng/kg củ tươi để bán sang Trung Quốc. Với kiểu mua này nếu không có biện pháp ngăn chặn thì trong thời gian ngắn cây cu li cũng sẽ bị khai thác cạn kiệt. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Theo những người làm việc cho đại lý thu mua thì củ cu li được họ mua ở huyện Đăk Glei mang về sơ chế. Giá mua từ 2.000 - 2.500 đồng/kg củ tươi. Sau khi sơ chế, phơi khô, thương lái bán lại từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Đa số sản phẩm đều được xuất bán sang Trung Quốc. Để tránh bị lừa gạt, các đầu nậu thu mua đều yêu cầu các thương lái ứng tiền trước mới tổ chức thu mua, mỗi lần ứng cả trăm triệu đồng. “Củ cu li được đồng bào thu hái trên rừng của huyện Đăk Glei. Họ cho mình ứng tiền trước, đảm bảo đầu ra nên mới dám làm” một đại lý thu mua tại huyện Ngọc Hồi cho biết.

Cu li là loại dược liệu chuyên trị đau lưng, gân xương nhức mỏi. Việc thương lái thu mua ồ ạt củ cu li với số lượng lớn, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì trong thời gian ngắn loại cây này sẽ bị khai thác cạn kiệt.

Cần có biện pháp bảo tồn khẩn cấp

Theo thống kê từ các tài liệu về cây thuốc và dược liệu, Tây Nguyên có gần 1.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Đây là một tiềm năng cây thuốc rất lớn để phát triển dược liệu ở Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác được nguồn tài nguyên quý giá này, Tây Nguyên cần phải có chiến lược bảo tồn và phát triển hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Dư, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), công tác bảo tồn các loài cây quý hiếm trong đó có nhiều loài cây thuốc ở Tây Nguyên đã được làm từ rất sớm. Năm 1996, lần đầu tiên Sách đỏ Việt Nam được xuất bản đầu tiên, trong đó ghi nhận nhiều loài cây thuốc ở Tây Nguyên trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng. Trong các nguyên nhân làm cho các loài cây thuốc bị đe dọa tuyệt chủng phải kể đến nạn khai thác một cách triệt để, thu mua ồ ạt với số lượng lớn, liên tục trong nhiều năm. Những loài bị thu mua nhiều nhất là Lan kim tuyến, Vàng đắng, Thổ phục linh, Bình vôi… Tiếp nữa, là các loài thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng trở nên bị đe dọa tuyệt chủng do sự mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp. Mỗi năm có hàng ngàn héc ta rừng bị chặt phá để làm nương trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao… Sự gia tăng dân số, dân di cư tự do, đô thị hóa nông thôn… làm cho các loài thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng không còn nơi cư trú.

Tài nguyên cây thuốc ở Tây Nguyên rất lớn nhưng hàng ngày rừng vẫn bị thu hẹp, nhiều loài vẫn bị khai thác vô tội vạ. Khai thác tận diệt dẫn đến nguồn tài nguyên này sẽ sớm mất đi, trong khi ngành dược vẫn phải nhập nguyên liệu tới 80%. Nhiều nguồn gen thực vật quý hiếm sẽ không còn ở Việt Nam và có thể không còn trên thế giới.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, để bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc quý giá này cần có chính sách quản lý rừng tự nhiên, hạn chế việc đốt phá rừng để phát triển cây công nghiệp, di dân tự do… Tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn người dân các phương pháp khai thác bền vững những loài cây thuốc. Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên cây thuốc tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia trong địa bàn khu vực Tây Nguyên. Xây dựng các vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại mỗi vùng khí hậu nhằm bảo tồn ngoại vị (exsitu) các loài quý hiếm, có giá trị và phát triển chúng thành nguồn giống phục vụ cho chương trình phát triển dược liệu quốc gia. Kết hợp với các địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc có giá trị tại địa phương. Kết hợp với các địa phương, doanh nghiệp, xây dựng các mô hình bảo tồn và phát triển cây thuốc tại các địa phương, đặc biệt quan tâm tới quan hệ 4 nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông, nhà doanh nghiệp để tổ chức các mô hình bảo tồn và phát triển.

Hiện tại Tây Nguyên có 5 vườn quốc gia là Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh (Gia Lai), Yok Đôn, Chư Yang Sinh (Đắk Lắk), Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) và 6 khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), Kon Cha Răng (Gia Lai), Ea Sô, Nam Ka (Đắk Lắk), Nam Nung, Tà Đùng (Đắk Nông). Đây chính là nơi bảo tồn tại chỗ các loài thực vật và cây thuốc khá hiện hữu. Tuy nhiên, công việc bảo tồn và khai thác các loài quý hiếm này trong các vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên vẫn còn đang là việc đáng phải bàn. Vì thực sự nguồn gen quý hiếm này vẫn chưa được khai thác và phát triển hay các nghiên cứu cơ bản về chúng vẫn còn rất hạn chế. Ông Nguyễn Văn Dư, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chia sẻ


Cao Nguyên - Viết Tôn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN