Ngoài ra, ngành y tế tỉnh cũng thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch khác của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh về công tác dân số. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh con thứ ba ở một số địa phương vẫn còn ở mức cao. Điều này xuất phát từ những khó khăn trong công tác tuyên truyền.
Bà Yang, cán bộ dân số xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết, xã có 5 thôn, làng thì ngành dân số đã xây dựng 5 cộng tác viên tại mỗi thôn, làng. Ngành y tế xã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn không sinh con thứ ba. Đồng thời, xã lồng ghép tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình vào các hoạt động, sinh hoạt khác của bà con. Cụ thể, năm 2020, Trạm Y tế xã đã tổ chức tuyên truyền được 60 nhóm với trên 1.800 người tham dự; truyền thông vận động trực tiếp tới 854 gia đình. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên của xã này trong năm 2020 vẫn ở mức cao nhất của thành phố Kon Tum, với 35,59%.
“Hiện nay, nhiều bà con vẫn còn tâm lý “trời sinh voi thì sinh cỏ”, dù có tham gia vào các buổi tuyên truyền nhưng lại không làm theo. Ngoài ra, một số bà con vẫn áp dụng biện pháp tránh thai nhưng sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng và thời gian. Ví dụ, với biện pháp tiêm thuốc tránh thai, có tháng 50 người tham gia, nhưng có tháng lại 70 người. Sử dụng thuốc uống thì nhiều bà con quên, còn đặt vòng thì không đồng ý vì thường xuyên phải làm việc nặng. Đến cuối năm 2020, tỉ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại của xã chỉ đạt 55,5%”, bà Yang cho biết thêm.
Trong khi đó, năm 2020, ngành y tế huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cũng tổ chức hàng trăm lượt tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân trên địa bàn; truyền thông vận động trực tiếp tại hơn 220 hộ dân; đồng thời, tổ chức gặp gỡ người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số được 43 lượt; cấp phát 11 bộ truyền thong, tuyên truyền cổ động Ngày dân số thế giới 11/7 hơn 3.300 tờ rơi cho các xã trên địa bàn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên của huyện vẫn ở mức cao; trong đó 2 xã Đăk Hà và Đăk Tơ Kan ở ngưỡng xấp xỉ 30%.
Ông Nguyễn Duy Tân, cán bộ dân số, Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình là bởi địa bàn của huyện rộng, dân cư phân bố không đồng đều, điều kiện địa hình phức tạp, gây khó khăn trong quá trình di chuyển của cán bộ dân số. Bên cạnh đó, trình độ dân số còn thấp, khi tuyên truyền cần có người phiên dịch; nhiều người có tuổi trốn tránh, không tham gia vào các buổi tuyên truyền cũng gây không ít khó khăn.
Một khó khăn khác là do thù lao của các cộng tác viên dân số còn thấp, khiến các cộng tác viên không quá mặn mà với công tác dân số. Cụ thể, hiện nay mức thù lao là 0,025% mức lương cơ bản, nên một quý, mỗi cộng tác viên dân số chỉ được 149.000 đồng.
“Trước đây, nguồn thù lao y tế của các cộng tác viên dân số được khoảng 750.000 đồng/tháng nhưng hiện nay đã không còn nữa. Chính vì thù lao thấp, nhiều cộng tác viên không tích cực tham gia tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình. Khi đó, công tác dân số lại dồn về cho các trưởng thôn, trong khi trưởng thôn không được đào tạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình”, ông Nguyễn Duy Tân phân tích.
Một khó khăn khác trong công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình, đó là sự phối hợp của chính quyền địa phương với cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình còn lỏng lẻo, chưa được chặt chẽ. Đơn cử, tại xã Hơ Moong – địa phương có tỉ lệ sinh con thứ ba cao nhất của tỉnh Kon Tum trong năm 2020 với tỷ lệ là 45,66% - lại không quá mặn mà với công tác tuyên truyền dân số. Khi cán bộ dân số huyện Sa Thầy liên hệ để thực hiện phóng sự tuyên truyền, UBND xã này đã từ chối, không đồng ý cho phóng viên TTXVN tác nghiệp.
Bác sỹ Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum phân tích, có rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi địa bàn dân cư rộng, phân bố không đồng đều, trình độ dân trí còn thấp. Bên cạnh đó, đối tượng truyền thông còn giới hạn, chỉ tập trung vào nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chưa quan tâm đến nhóm đối tượng là vị thành niên, thanh niên, nam giới, người có uy tín trong cộng đồng.
Ngoài ra, năng lực và kỹ năng truyền thông tư vấn về dân số - kế hoạch hóa gia đình của một số viên chức dân số, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên cơ sở còn hạn chế, thường xuyên thay đổi cán bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu mới trong công tác truyền thông hiện nay là chuyển trọng tâm chính sách từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Bác sỹ Đỗ Ngọc Hòa cho biết thêm, hiện nay một số sản phẩm truyền thông, phương tiện truyền thông chưa đáp ứng nhu cầu cả về chất lượng lẫn số lượng, chưa phân nhỏ nhóm đối tượng, thiếu các sản phẩm dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người, các đối tượng có trình độ văn hóa thấp. Đặc biệt, công tác phối kết hợp tuyên truyền vận động về dân số - kế hoạch hóa gia đình với các ban ngành, đoàn thể còn lỏng lẻo, mang tính chất thời vụ, xem công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là nhiệm vụ của riêng ngành dân số cũng khiến việc tuyên truyền dân số gặp nhiều khó khăn.
Bài cuối: Cần nhân rộng những mô hình hay