Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn thuộc vùng Đồng Tháp Mười (Long An). Ảnh: Trường Giang/TTXVN |
Để đạt kế hoạch đề ra, Long An đề ra nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới bằng hình thức liên kết xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ cho nông dân và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia; tuyên truyền nông dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đã đồng thuận tham gia cánh đồng lớn, tạo được mối liên kết chặt chẽ và bền vững, hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện…
Ngoài ra, Long An lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới với các nguồn vốn để đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất tại cánh đồng lúa lớn bao gồm hệ thống kênh, đê bao lửng, trạm bơm điện, cống điều tiết, giao thông.
Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, các qui trình tiên tiến theo hướng thực hành nông nghiệp tốt nhằm tạo ra nguyên liệu đồng nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hỗ trợ tìm kiếm các đối tác, mời gọi, thu hút các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất gắn tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn.
Năm 2016, Long An thực hiện 115 cánh đồng lúa lớn trên diện tích 29.245 ha với 10.616 hộ và 19 doanh nghiệp tham gia. Khi tham gia cánh đồng lúa lớn, giúp nông dân giảm chi phí giống, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật.
Từ đó, làm cho người nông dân đạt lợi nhuận cao hơn so với cánh đồng bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, vật tư đầu vào được cung ứng kịp thời, chủ động, giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng và được tư vấn hướng dẫn sử dụng nên hiệu quả cao hơn, góp phần khắc phục tình trạng mua bán vật tư kém chất lượng không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, Long An vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong thực hiện cánh đồng lúa lớn. Cụ thể, một bộ phận nông dân vẫn còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình sản xuất do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chưa tham gia sinh hoạt, hội họp đầy đủ, chưa ghi chép đạt theo yêu cầu sổ tay tình hình sản xuất lúa theo hướng dẫn VietGAP.
Các doanh nghiệp tham gia còn gặp khó khăn về nguồn vốn, hệ thống kho chứa bảo quản lúa và nhà máy chế biến để thu mua lúa cho nông dân khi đến vụ thu hoạch rộ, thị trường tiêu thụ không thuận lợi; người dân tham gia vẫn chưa tuân thủ hợp đồng bán ra ngoài gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện bao tiêu và xây dựng nguồn nguyên liệu.