Hạt Kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận - U Minh Thượng thuộc Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Kiên Giang phối hợp với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng này đang giai đoạn cao điểm mùa khô.
Ông Lê Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận - U Minh Thượng cho biết: Hiện nay, dự báo cháy rừng tràm U Minh Thượng cấp độ 1, cấp độ 2, ở mức thấp và trung bình. Mặc dù đang giai đoạn cao điểm của mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng không cao nhưng đơn vị không chủ quan, lơ là. Đặc biệt, đơn vị đã tập trung vào chương trình kế hoạch đã đề ra đầu mùa khô và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng.
Theo đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện U Minh Thượng, đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng thực hiện đồng bộ các biện pháp như tăng cường tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng trong cộng đồng cư dân làng rừng; đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm bảo vệ rừng; tập huấn, diễn tập, thực tập phương án phòng chống cháy rừng…
Mặt khác, đơn vị đã xây dựng 20 tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng với 170 thành viên, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 tại các trạm, chốt, lán trại và trang thiết bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao trên các lâm phần nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, gây thiệt hại tài nguyên rừng có thể xảy ra.
“Lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, các chủ rừng và chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, góp phần giữ vững an ninh trật tự, không để xảy ra “điểm nóng” về phá rừng, cháy rừng. Các đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng thực hiện tốt việc canh gác lửa rừng, áp dụng phương châm “4 tại chỗ” nên từ đầu mùa khô 2022 đến nay không xảy ra vụ cháy rừng nào trên lâm phần rừng tràm U Minh Thượng. Khi dự báo cháy cấp 3 thì phối hợp với các ngành, Vườn Quốc gia U Minh Thượng tạm ngưng việc đón du khách tham quan, du lịch để hạn chế cháy rừng có thể xảy ra". Ông Lê Tuấn Kiệt chia sẻ.
Tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, nơi có diện tích rừng lớn nhất trên lâm phần rừng tràm U Minh Thượng là một trong hai khu vực quan trọng của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam được công nhận là Vườn di sản ASEAN và khu bảo tồn đất ngập nước (khu Ramsar) có tầm quan trọng quốc tế, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Từ đầu mùa khô đến nay, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Vườn tăng cường tuần tra, kiểm soát, chống người xâm nhập vào rừng trái phép. Vườn tổ chức hơn 160 cuộc tuần tra truy quét với trên 1.270 lượt người tham gia, phát hiện 1 vụ, 3 đối tượng vào rừng săn bắt động vật hoang dã, đánh bắt thủy sản, bàn giao cho ngành chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng cho hay: Vườn thành lập 4 đội phòng cháy, chữa cháy rừng, với mỗi đội 15 người, phân công ứng trực ở những địa điểm khi có nguy cơ cháy cao; duy trì 9 trạm quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát vi phạm rừng, phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó, xác định phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trong mùa khô này khoảng 1.115 ha để bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chủ động ứng cứu, nhanh chóng dập tắt lửa khi có cháy xảy ra, không để cháy lan gây cháy lớn, thiệt hại tài nguyên rừng.
Ngoài ra, Vườn thực hiện phương án quản lý nước trên lâm phần theo 4 phân khu nhằm đáp ứng mục tiêu phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển bình thường của hệ sinh thái rừng tràm. Mặt khác, gia cố các cống điều tiết nước, đắp đập giữ nước, chống rò rỉ trong suốt mùa khô kết hợp bơm bổ sung 1,115 triệu m³ nước từ vùng đệm vào vùng lõi trên lâm phần Vườn quốc gia.
Hiện nay, trên lâm phần Vườn Quốc gia U Minh Thượng, các khu vực than bùn cao mực nước trên mặt đất rừng còn khoảng 8 cm, các khu vực than bùn trung bình từ 15 - 17 cm và khu vực thấp còn khá cao. Mực nước trên mặt đất ở các phân khu còn nhiều, đảm bảo phát triển của cây tràm và hạn chế nguy cơ cháy rừng, cấp cháy ở các trạng thái rừng phần lớn diện tích ở cấp I, trên các tuyến đê là cấp II.
Nhận định diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng như hiện nay thì cuối tháng 3, đầu tháng 4 có nguy cơ cháy, dự báo trên các tuyến bờ đê ở mức cấp 3, cấp 4 và khu vực than bùn cao là cấp 3, cháy có khả năng xảy ra.
Tiếp đến, Vườn Quốc gia U Minh Thượng nạo vét, gia cố hồ chứa nước tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao để dự trữ nguồn nước đảm bảo chủ động chữa cháy rừng; hoàn thành dọn thực vật trên các tuyến kênh chính đảm bảo lưu thông, vận chuyển thiết bị; phát dọn hàng chục đường tuyến cản lửa tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, phân lô, cắm mốc để cơ động lực lượng tiếp cận đám cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Mặt khác, vườn bảo trì, sửa chữa và thường xuyên vận hành các máy chữa cháy chuyên dụng, máy phao bơm nước và mua sắm nhiều trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên lâm phần.
Ông Lê Văn Gồng, Trạm trưởng Trạm Kinh 8, Vườn Quốc gia U Minh Thượng chia sẻ: Đơn vị đã chia ca bám chốt, trạm trực chiến 24/24, hàng ngày luân phiên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn người vào rừng trái phép và theo dõi mực nước trong rừng để dự báo cấp cháy rừng.
Cùng với đó, chủ động bơm nước từ vùng thấp lên vùng cao, hiện tại mực nước đảm bảo cho phòng cháy, chữa cháy, nhiều chỗ độ ẩm còn rất cao. Những tuyến kênh dọn thực bì thông thoáng để vận chuyển thiết bị, máy bơm khi có cháy xảy ra. Đáng lưu ý, đơn vị luân phiên trực tháp canh lửa để kịp thời phát hiện khói, ứng phó dập tắt đám cháy nhanh, không để cháy lan gây cháy lớn rừng.
Hiện nay, thời tiết đang giai đoạn cao điểm mùa khô, diễn biến phức tạp nắng nóng kéo dài, mực nước rừng hạ thấp và nguy cơ cháy rừng cao trong thời gian tới. Do vậy, theo ông Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn tiếp tục triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022 theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng chống cháy rừng, không chủ quan, lơ là.
Khi nguy cơ cháy rừng ở mức cấp III, tập trung triển khai bố trí các đội ứng trực tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tạm ngưng hoạt động du lịch sinh thái để đảm bảo an toàn cho phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đặc biệt, Vườn cập nhật, theo dõi chặt chẽ các yếu tố khí tượng thủy văn, thời tiết khô hạn để kịp thời dự báo nguy cơ cháy rừng và triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó hữu hiệu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra.