Kết quả trên có được là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh; Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng năm 2021.
Chủ động phát hiện sớm cháy rừng
Diễn Châu là huyện có gần 6.000 ha đất có rừng, trong đó 9 xã có diện tích rừng lớn, nhiều diện tích rừng thông 4,5 và 6 tuổi. Trước thực trạng trên địa bàn thường xuyên xảy ra cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu đã phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập các đội dân quân tự vệ để chốt chặn 24/24 giờ ở các “cửa rừng”, kiểm soát chặt người ra, vào rừng.
Ghi nhận tại điểm chốt chặn nằm ở đầu xóm Xuân Sơn (xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu), dù thời tiết nắng nóng nhưng các cán bộ trong tổ chốt canh gác gồm các lực lượng lâm nghiệp, quân sự, công an và chủ rừng vẫn túc trực 24/24 giờ, để kiểm soát người ra, vào rừng. Tại đây, người dân khi ra, vào rừng đều phải qua chốt kiểm tra, khai báo thông tin cá nhân, gồm: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, mục đích ra vào rừng và các dụng cụ mang theo khi vào rừng. Cách làm này sẽ giúp các lực lượng kiểm soát chặt người ra, vào rừng và cũng là tư liệu để cơ quan chức năng theo dõi, điều tra khi xảy ra sự cố về rừng.
Ngoài việc kiểm soát, theo dõi thông tin người ra, vào rừng, cán bộ tại các chốt canh gác cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được mang lửa vào rừng, nâng cao ý thức trong phòng, chống cháy rừng; kịp thời phát hiện và xử lý nhanh các tình huống lửa bùng phát ở rừng.
Anh Trần Mậu Trọng, cán bộ lâm nghiệp xã Diễn Đoài, phụ trách chốt canh gác tại xóm Xuân Sơn cho biết, chốt canh gác này được thành lập từ ngày 17/5, theo kế hoạch trực chốt đến ngày 17/9. Đây là địa điểm quan trọng, bởi qua chốt kiểm soát này sẽ là diện tích rừng của 6 xóm thuộc xã Diễn Đoài. Trong khi đó, lượng người dân ra vào rừng để chăm sóc trại và khai thác nhựa thông nhiều nên nếu kiểm soát không chặt chẽ người ra, vào rừng sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Trước đây, xã Diễn Đoài từng là địa bàn thường xuyên xảy ra cháy rừng. Nhưng từ năm 2020 đến nay khi triển khai chốt kiểm soát này, tại địa phương đã không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Ông Lê Đình Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Diễn Châu chỉ xảy ra vụ cháy rừng duy nhất ở xã Diễn Lộc song thiệt hại không nhiều. Trong khi đó, năm 2020 toàn huyện xảy ra 5 vụ cháy rừng gây thiệt hại 400 ha rừng. Để có được kết quả đó, trong các thời điểm điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, tại huyện Diễn Châu luôn duy trì 3 chốt kiểm soát người ra vào rừng 24/24 giờ tại các xã trọng điểm là Diễn Phú và Diễn Đoài.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu đã ký hợp đồng lao động canh gác, phòng, chống cháy rừng ở 6 xã trọng điểm có rừng dễ cháy gồm: Diễn Phú, Diễn An, Diễn Lợi, Minh Châu, Diễn Đoài và Diễn Lâm; kiện toàn 9 trung đội mạnh phòng, chống cháy rừng tại 9 xã, với 256 thành viên.
Ngoài ra, trước khi bước vào thời điểm nắng nóng, Hạt Kiểm lâm Diễn Châu đã phối hợp tổ chức ký cam kết phòng, chống cháy rừng giữa Chủ tịch UBND 9 xã có rừng với Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu; giữa 19 hiệu trưởng các trường học trên địa bàn, 75 xóm trưởng với Chủ tịch UBND 9 xã thuộc huyện Diễn Châu; giữa 1.815 hộ gia đình với 75 xóm trưởng các xóm.
Tại huyện Nghi Lộc, để phát hiện sớm lửa rừng, từ đầu năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã lắp camera ở các chòi canh gác nhằm giám sát cảnh báo cháy rừng. Hệ thống camera được lắp đặt trên chòi cao khoảng 13m, có thể ghi lại rõ nét hình ảnh trong bán kính 8 – 10 km, được kết nối qua điện thoại, rất tiện ích trong việc theo dõi, phát hiện các điểm phát lửa.
Với việc lắp đặt camera giám sát lửa rừng, cán bộ các Đội lâm nghiệp Nghi Lộc chỉ cần quan sát hình ảnh trên điện thoại, đã bao quát toàn bộ rừng trong khu vực quản lý, khi phát hiện điểm phát lửa thì nhanh chóng dập tắt kịp thời. Theo thời gian quy định, các cán bộ trong các Đội lâm nghiệp tại Nghi Lộc sẽ lên kiểm tra, bảo dưỡng camera được lắp đặt trên chòi. Việc vận hành hệ thống camera này đã góp phần giảm sức lao động khi không phải đứng trực ở các chòi; hình ảnh quan sát rộng, rõ nét, có thể theo dõi được mọi lúc, mọi nơi.
Ông Trần Văn Trường, Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc cho biết, hiện trên địa bàn huyện Nghi Lộc có 4/10 địa phương có rừng đã lắp đặt hệ thống camera, gồm: xã Nghi Yên, Nghi Đồng, Nghi Lâm và Nghi Văn. Chi phí lắp đặt camera giám sát cảnh báo cháy rừng trên 150 triệu đồng/mắt. Từ khi đưa vào vận hành hệ thống camera đến nay, trên diện tích hơn 5.000 ha rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc quản lý, lực lượng đã phát hiện sớm và kịp thời dập tắt được 5 điểm có khói, lửa, nguy cơ gây cháy rừng (năm 2020) và phát hiện sớm 1 vụ cháy rừng duy nhất từ đầu năm 2021 đến nay, nên diện tích rừng bị cháy chỉ khoảng 4.000 m2 và chủ yếu cháy dưới tán.
Giảm 2/3 số vụ cháy
Nghệ An là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp và diện tích có rừng lớn nhất toàn quốc; trong đó, diện tích rừng là hơn 964.474 ha, được phân bố ở 376 xã thuộc 21 huyện, thành, thị. Vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tập trung khoảng 232.000 ha, chủ yếu là rừng trồng thông nhựa, rừng hỗn hợp giao bạch đàn, rừng tre nứa.
Ông Phạm Đức Thành, Phó Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, tại Nghệ An, thời điểm nắng nóng gay gắt còn khoảng 1 tháng, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở các địa phương vẫn rất cao. Song, đến nay, có thể thấy công tác phòng, chống cháy rừng năm 2021 đã đạt được kết quả nhất định khi số vụ cháy và thiệt hại giảm 2/3 so với năm 2020. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, tại Nghệ An đã xảy ra 16 vụ cháy, với tổng diện tích bị cháy trong quy hoạch lâm nghiệp là 33,5 ha; trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại về rừng với diện tích 12,6 ha; còn lại 9 vụ cháy không gây thiệt hại về rừng.
Trong khi đó, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 48 vụ cháy rừng, trong đó có 21 vụ cháy gây thiệt hại đến rừng với diện tích 122,38 ha (rừng bị cháy không có khả năng phục hồi là 44,75 ha).
Thời gian qua, để kiểm soát, phòng ngừa cháy rừng có hiệu quả, tỉnh đã thành lâp 1 Ban Chỉ huy cấp tỉnh; 12 Ban Chỉ đạo cấp huyện, thành, thị; 371 Ban Chỉ huy và Trung đội cấp xã; 26 Ban Chủ rừng, cùng hàng trăm tổ đội cấp thôn, bản với trên 6.072 thành viên tham gia.
Trước khi bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, chủ rừng, người dân tổ chức thu gom, phát dọn thực bì ở 3.537 ha rừng; tu sửa 112 km đường băng cản lửa, xây dựng mới 27.948 đường băng trên rừng sản xuất giáp ranh rừng tự nhiên; tu sửa 41 km đường ranh cản lửa, làm mới 9 chòi và tu sửa 20 chòi canh lửa.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã ban hành công văn giao các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương các cấp xã, tổ đội chữa cháy rừng ở cơ sở, rà soát, kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư để thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng của người dân; dừng tất cả các hoạt động xử lý thực bì bằng sử dụng lửa và các hoạt động khác có nguy cơ gây cháy rừng trước khi bước vào thời điểm nắng nóng.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn phối hợp với Công an tỉnh điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng, không ứng cứu kịp thời, để gây ra thiệt hại lớn. Các địa phương xảy ra cháy rừng tổ chức rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai phương án tác chiến chữa cháy rừng, nhất là công tác huy động lực lượng, hậu cần, chỉ huy chữa cháy rừng.